Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Những kỷ niệm không bao giờ quên về Đại tướng

09/10/2013
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Những kỷ niệm không bao giờ quên về Đại tướng
Chiều muộn ngày 8/10, ngồi giở lại những tấm ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm quê lần cuối tháng 11/2004, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường không kìm được cảm xúc. Hình ảnh Đại tướng tự tay thắp hương, sờ từng hiện vật trong ngôi nhà cũ của mình ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn như in trước mắt.

“Lúc nào Đại tướng cũng căn dặn Quảng Bình, Lệ Thủy phải “gương mẫu”, cán bộ phải “đoàn kết

Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi ấy là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, vinh dự là một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh đón Đại tướng về thăm quê. Bộ trưởng Hà Hùng Cường bồi hồi nhớ lại: “Có hai điều mà trong tất cả các cuộc gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình, cán bộ, nhân dân huyện Lệ Thủy, Đại tướng luôn căn dặn. Một là tỉnh, huyện phải trở thành tỉnh, huyện “gương mẫu”. “Gương mẫu” ở đây tôi hiểu là rất rộng,không những phải gương mẫu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, phải sớm thoát nghèo, hòa nhập với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn phải gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người. Điều thứ hai, là phải “đoàn kết”. Đoàn kết là lời nhắc nhở chung rồi, nhưng mỗi khi Đại tướng căn dặn, tôi đều có cảm giác Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh cho riêng Quảng Bình, nhất là khi tỉnh đã phải trải qua những thời điểm khó khăn nhất định từ khi chia tách”. “Hai điều đó Đại tướng cũng luôn nhắc lại mỗi khi Lãnh đạo Tỉnh ra Hà Nội thăm Đại tướng, kể cả khi Đại tướng đã ở trong bệnh viện”.

Đối với quê hương, Đại tướng còn một điều trăn trở cũng dường như là thường trực, đó là nạn phá rừng, tác động xấu đến môi trường. Trong suốt gần 4 năm rưỡi tôi ở Quảng Bình, mỗi khi báo chí đưa tin, nói chỗ này, chỗ kia ở Quảng Bình phá rừng, Đại tướng đều viết thư về nhắc nhở chính quyền địa phương phải ngăn chặn, giữ rừng, không để tác động xấu đến môi trường”.  – Bộ trưởng xúc động kể lại.

Ấn tượng về lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường là sự gắn bó, thân tình, ấm cúng giữa Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với quê hương, bà con, làng xóm quê nhà. Bộ trưởng nhớ như in cảnh: “Đại tướng ngồi ở bậc thềm nhà nói chuyện, bà con chen kín xung quanh, mình là người tháp tùng Đại tướng mà  không chen vào được”. “Đại tướng dường như nhớ lại cuộc sống đời thường thời thơ ấu, sờ từng hiện vật trong nhà, ngắm nhìn cây khế ngoài hiên chắc có tuổi nhiều hơn cả tuổi của Đại tướng”.

Rất xúc động khi Đại tướng lên thăm nghĩa trang của dòng họ:  “Bác đã dừng rất lâu, tự tay thắp hương, sờ lên từng ngôi mộ. Dường như lúc ấy, Đại tướng muốn gửi gắm một tâm nguyện ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” Quảng Bình”.

Đại tướng vẫn không quên câu chuyện ngành Tư pháp

Khi đã về Hà Nội, trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hàng năm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đều tới thăm, chúc Thọ Đại tướng. Điều mà Bộ trưởng cảm động nhất là tháng 8 năm 2008, lần đầu tiên Bộ trưởng đến thăm Đại tướng với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đại tướng căn dặn: Ngành Tư pháp có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. “Ôi, sau bao nhiêu năm trời cầm quân, sau bao thăng trầm của thời gian, của Ngành Tư pháp và ở tuổi 98 mà Đại tướng vẫn không quên câu chuyện của Ngành Tư pháp!” – Bộ trưởng nghẹn ngào.

Vẫn còn sững sờ trước tin Đại tướng ra đi, Bộ trưởng ngậm ngùi chia sẻ: “Dẫu biết rằng Đại tướng tuổi đã rất cao, không cưỡng lại được quy luật của thời gian, nhưng đối với Ngành Tư pháp, xót xa nhất là đã mất đi một trí tuệ vĩ đại có thể truyền tải một cách trực tiếp nhất, sâu sắc nhất những tư tưởng của Bác Hồ về pháp quyền”.

Giữa lúc con tim của cả dân tộc đang hướng về Đại tướng, Bộ trưởng bảo rằng những kỷ niệm của mình về “Vị Thánh” Võ Nguyên Giáp chẳng thấm tháp gì, nhưng ông vẫn cứ ngậm ngùi, không cầm lòng được trước cái tin con người “Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm” sẽ mãi mãi ra đi, an nghỉ ở cõi vĩnh hằng.

Hồng Thúy