Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị pháp chế doanh nghiệp năm 2013

19/08/2013
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị pháp chế doanh nghiệp năm 2013
Ngày 16/8, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị pháp chế doanh nghiệp năm 2013 để cùng trao đổi kinh nghiệm hoạt động pháp chế và đặc biệt là nhìn nhận các khía cạnh pháp lý trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Công tác pháp chế được quan tâm

Chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động pháp chế của EVN, đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn cho biết: Tổ chức pháp chế tại EVN và các đơn vị thành viên được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các hướng dẫn của Bộ Công thương về công tác pháp chế. Để cụ thể hóa các quy định của pháp luật, EVN đã xây dựng và ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của pháp chế trong EVN ban hành kèm theo Quyết định số 630/QĐ-EVN của Hội đồng thành viên EVN. Quy chế này là sự kế thừa của các Quy chế về tổ chức và hoạt động pháp chế trong EVN đã được ban hành và áp dụng từ năm 1999 và năm 2008. Ngoài ra, hoạt động pháp chế cũng được ghi nhận trong Quy định về chức năng nhiệm vụ các Ban tham mưu của EVN cũng như tại các đơn vị.

Tại công ty mẹ - EVN, bộ phận pháp chế được thành lập từ năm 1998 và được sắp xếp là một bộ phận thuộc Ban Thanh tra Bảo vệ và Pháp chế. Sau khi có hướng dẫn của liên Bộ Tư pháp – Nội vụ, EVN đã có chủ trương tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng phương án thành lập bộ phận pháp chế độc lập trên cơ sở tách bộ phận pháp chế thuộc Ban Thanh tra Bảo vệ và Pháp chế thành Ban Pháp chế độc lập vào tháng 11/2006 với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc EVN về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của Tập đoàn; bảo vệ quyền và lợi ích pháp lý của Tập đoàn; chỉ đạo, quản lý và điều hành công tác pháp chế trong Tập đoàn. Hiện nay, Ban Pháp chế EVN có 8 cán bộ đều có trình độ Cử nhân Luật trở lên.

Tại các đơn vị thành viên, trực thuộc đều có bộ phận pháp chế hoặc cán bộ làm công tác pháp chế đặt trong phòng tổ chức hành chính. Hiện nay có 6/9 Tổng Công ty thuộc EVN đã thành lập Ban Pháp chế độc lập. Tại 3 Tổng công ty còn lại, bộ phận pháp chế được biên chế trong Văn phòng hoặc Ban Thanh tra Bảo vệ - Pháp chế và đều đã có kế hoạch tách bộ phận pháp chế ra hoạt động độc lập khi có đủ điều kiện về nhân sự theo như chỉ đạo của EVN.

Công tác pháp chế trong EVN được lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trực thuộc rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Một trong những công tác trọng tâm nổi bật và thường xuyên của Ban Pháp chế EVN và bộ phận pháp chế các đơn vị là công tác đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Theo quy định của EVN, tất cả các hợp đồng, thỏa thuận đều phải được thẩm định về mặt pháp lý trước khi trình lãnh đạo Tập đoàn, thủ trưởng đơn vị xem xét, thông qua. Trong khoảng 5 năm qua, Ban Pháp chế, bộ phận pháp chế đã tham gia góp ý, thẩm định hơn 900 dự thảo hợp đồng mua điện với các dự án điện độc lập và các loại hợp đồng, thỏa thuận khác…

Ban Pháp chế, bộ phận pháp chế tại đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn, thủ trưởng đơn vị trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn và các đơn vị như đại diện cho EVN tham gia nhiều vụ việc như hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính… Có những tranh chấp kinh tế phức tạp, liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, kéo dài hơn 10 năm với nhiều lần xét xử và cuối cùng Tòa án đã phán quyết phía bên nhà đầu tư nước ngoài phải bồi thường cho EVN.

Hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh

Trình bày chuyên đề về tái cơ cấu DNNN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu DNNN được khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XI. Theo đó, nhấn mạnh tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm đầu tư công; tái cơ cấu DNNN, trọng tâm tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng. Triển khai chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đọn 2011 – 2015; Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trương. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu DNNN được khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XI. Triển khai chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đọn 2011-2015; Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trương.

Tuy nhiên, ông Cung bày tỏ lo ngại với một số văn bản được ban hành gần đây, bao gồm: Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước tại DN; Nghị định 51/2013/NĐ-CP về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước; Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, ông Cung nêu lên một số băn khoăn như liệu có áp đặt được nguyên tắc thị trường khi chưa thực sự lời ăn lỗ chịu, chưa lấy tối đa hóa lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu, chưa coi trọng mục tiêu kinh doanh? Hơn nữa, môi trường kinh doanh có bình đẳng thực sự không khi còn bao cấp, trợ cấp chéo, chưa theo giá thị trường?... Từ đó, ông Cung thẳng thắn nhận xét rằng, có sự khác biệt ngày càng xa giữa một bên là chủ trương định hướng theo cơ chế thị trường hiện đại và một bên khác là luật pháp, giải pháp cụ thể thiên về vụ việc, áp đặt hành chính, quan liêu. Không những thế, can thiệp hành chính ngày càng nhiều, quyền tự chủ quản lý, tự chủ sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp, đồng thời cải cách khu vực nhà nước và DNNN có bước lùi, ngăn cản cải cách, phục hồi kinh tế chung và phát triển DNNN nói riêng.

Pháp chế DN cần tích cực tham mưu 6 vấn đề

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác pháp chế DN, triển khai tốt Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị các cán bộ pháp chế trong phạm vi chức trách của mình, nhiệm vụ được giao tham mưu, giúp lãnh đạo các DN thực hiện một số công việc.

Cụ thể là, có kế hoạch triển khai Nghị định 55 một cách đồng bộ, có lộ trình rõ ràng và định kỳ báo cáo kết quả triển khai; chủ động soạn thảo, trình lãnh đạo DN ban hành các văn bản quy định cụ thể nhằm thực hiện kịp thời Nghị định 55; đối cới các DN chưa kiện toàn tổ chức pháp chế, khẩn trương xây dựng, trình lãnh đạo DN phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế DN; xây dựng quy hoạch và thực hiện kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn luật cho đội ngũ nhân viên pháp chế, đảm bảo yêu cầu đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định 55; chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, các Bộ ngành và các DN, đơn vị thành viên khác có liên quan tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế DN; tổ chức kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55, kịp thời có biện pháp hoặc gửi kiến nghị bằng văn bản về Bộ Tư pháp để phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Cẩm Vân