Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Một số định hướng lớn xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”

15/08/2013
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Một số định hướng lớn xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”
Trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam do Canada tài trợ, ngày 15/8, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Một số định hướng lớn xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… và nhiều đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

6 định hướng xây dựng Luật

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, qua 4 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật năm 2008) và 8 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật năm 2004), Nhà nước ta đã ban hành được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới nói chung và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế như cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn; tính minh bạch, khả thi và ổn định chưa cao. Các hạn chế về xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những yếu tố cản trở tiến trình phát triển đất nước, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự bất cập, hạn chế trong các quy định của hai đạo luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Để hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động xây dựng pháp luật, khắc phục các hạn chế của hai đạo luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới, Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII để hợp nhất Luật năm 2004 và Luật năm 2008 thành một đạo luật chung về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đã nêu ra 6 định hướng lớn xây dựng Dự án Luật hợp nhất về phạm vi điều chỉnh, về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục làm tinh gọn hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật và tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật. Chẳng hạn, về phạm vi điều chỉnh, Luật mới sẽ quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương. Ngoài các quy định cơ bản này, Luật mới cũng sẽ quy định mang tính nguyên tắc về các hoạt động sau khi văn bản được ban hành: hợp nhất, pháp điển, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và một số quy định chung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hay về định hướng thứ ba, Luật mới sẽ làm rõ hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể về mặt nội dung như xác định những vấn đề mà chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền thông qua luật, những vấn đề mà Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và các cơ quan khác; đồng thời tiếp tục nghiên cứu việc giảm bớt hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mỗi cơ quan nhà nước chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo một hình thức như Quốc hội chỉ ban hành luật, Chính phủ chỉ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ chỉ ban hành quyết định...

Còn để đảm bảo dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật, Luật hợp nhất cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đóng góp ý kiến (như có trang điện tử riêng chuyên đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến và đăng ý kiến phản hồi của cơ quan chủ trì soạn thảo; dự thảo văn bản có tác động lớn đến đời sống xã hội trong một số lĩnh vực nộp thuế, lệ phí; tội phạm, hình phạt; xử phạt hành chính; thủ tục đăng ký… thì phải tổ chức các cuộc trao đổi, bàn luận trực tiếp với các chuyên gia trên truyền hình để nhân dân theo dõi, đóng góp ý kiến) và tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan trình văn bản (Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đề xuất xây dựng văn bản)…

Nghiên cứu giảm bớt hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Trần Hữu Huỳnh đề nghị cân nhắc bỏ hình thức nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch; bỏ nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã, chỉ giữ lại hình thức nghị quyết của HĐND cấp tỉnh… Ông Huỳnh lập luận cho đề xuất của mình là mỗi chủ thể chỉ nên ban hành một loại hình văn bản cho dễ nhớ, dễ áp dụng theo một quy trình, có cùng hiệu lực, cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản. Ngoài ra, còn xuất phát từ thực tế có một số chủ thể không nên tham gia ban hành nghị quyết hoặc thông tư liên tịch.

Liên hệ đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Ngô Trung Thành cho rằng, theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì vẫn chưa có sự xác định rõ ràng hình thức văn bản quy phạm phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Như vậy, nếu như giống như pháp luật hiện hành thì Quốc hội vẫn có 2 hình thức văn bản quy phạm pháp luật là luật và nghị quyết; Ủy ban thường vụ cũng vẫn có 02 hình thức văn bản là pháp lệnh và nghị quyết.

Vì vậy, ông Thành cũng đồng tình nên cân nhắc đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật là luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nên ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật là pháp lệnh. Bởi nếu tiếp tục duy trì hình thức nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay vẫn sẽ làm lẫn lộn giữa nghị quyết có chứa quy phạm với nghị quyết không chứa quy phạm. Hơn nữa, với việc một cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới các hình thức khác nhau và cùng một hình thức văn bản có thể là văn bản quy phạm pháp luật nhưng cũng có thể không phải là văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến việc tùy tiện trong việc sử dụng hình thức văn bản. “Thậm chí có thể dẫn đến trường hợp dùng văn bản không có tính quy phạm để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cho thấy đã có những trường hợp xảy ra như vậy” – ông Thành nói và nhấn mạnh việc giảm bớt hình thức văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành sẽ “khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời cũng làm minh bạch hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, nắm bắt và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cho biết, qua nghiên cứu khảo sát do Viện tiến hành thì HĐND, UBND cấp xã, huyện ban hành văn bản trùng nội dung với văn bản cấp trên rất nhiều. “Với thực trạng ấy, tức là có khoảng 25 nghìn đầu mối được quyền “đẻ” ra văn bản thì khó mà chất lượng được” – ông Cương thẳng thắn và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nước là chính quyền địa phương theo mô hình tự quản nên được ban hành văn bản. Còn điều kiện ở nước ta lại khác, bởi chính quyền địa phương như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là tổ chức thi hành pháp luật chứ không tạo ra văn bản pháp luật mới. Tuy nhiên, theo ông Cương, có một số lĩnh vực thì Trung ương có thể “độc quyền”, nhưng một số lĩnh vực đặc thù như bảo vệ môi trường, an sinh xã hội cụ thể, quản lý phát triển văn hóa cộng đồng… nên trao cho địa phương. “Đối với cấp xã, quyền xây dựng văn bản trao cho làng xã qua việc xây dựng các hương ước” là kiến nghị của ông Cương trước băn khoăn có “khoảng trống” nếu bỏ thẩm quyền xây dựng văn bản của HĐND, UBND cấp xã.

Cẩm Vân