Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp

14/08/2013
Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp
Sáng nay - 14/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì Hội nghị, cùng sự tham dự của các Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Ban Tổ chức TƯ, Ban Nội chính TƯ, Văn phòng TƯ Đảng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường, một số Sở Tư pháp...

Chất lượng thẩm định VB ngày càng được nâng cao

Báo cáo về thực trạng công tác thẩm định VBQPPL do Chánh văn phòng Trần Tiến Dũng trình bày tại Hội nghị cho biết, Cùng với việc hoàn thiện thể chế, nhân sự, kinh phí cho công tác thẩm định VBQPPL, từ khi Luật ban hành VBQPPL có hiệu lực - ngày 1/10/2009 đến ngày 30/6/2013, Bộ Tư pháp đã thẩm định 1.428 VBQPPL với mức trung bình 317/năm, tương đương 26 văn bản/tháng, gấp 3 lần so với 10 năm trước.

Chất lượng thẩm định VB ngày càng được nâng cao. Thông qua hoạt động thẩm định đã phát hiện nhiều quy định của dự án, dự thảo văn bản không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành hoặc có phạm vi, đối tượng điều chỉnh trùng nhau, từ đó kiến nghị cơ bản soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình cơ quan cấp trên, góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, dần khắc phục tính pháp lý thuần túy trong quá trình thẩm định nên nhiều văn bản thẩm định đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính phản biện đối với cả nội dung và hình thức của dự thảo, làm cơ sở cho cơ quan soạn thảo VB hoàn chỉnh, nâng cao tính khả thi, hợp lý của dự thảo VB. Đảm bảo sự gắn kết giữa công tác thẩm định VBQPPL với thẩm định thủ tục hành chính. Từ đó đảm bảo tính toàn diện, chuyên sâu trong công tác thẩm định VBQPPL của Bộ.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2009-2012, việc thẩm định của Bộ đối với các dự án, dự thảo VBQPPL cơ bản đảm bảo thời hạn theo qui định. Nhìn chung không để xảy ra tình trạng VB chậm tiến độ trình vì thẩm định. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2013, Bộ và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp thực hiện tương đối tốt việc thẩm định theo qui trình rút gọn, được đánh giá cao.

 

 

Vì thế, các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản đã nhất trí đánh giá, "công tác thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giúp Chính phủ cơ bản hoàn thành một bước tình trạng nợ đọng VB hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh, kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện nhiều qui định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các qui định hiện hành, nhiều qui định thiếu tính hợp lý hoặc không khả thi, trong đó có nhiều qui định nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng của VB và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời khẳng định rõ nét vai trò "người gác cổng" đáng tin cậy cho Chính phủ, Quốc hội trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật".

 

 

Công tác thẩm định còn cắt khúc, thiếu gắn kết, đồng bộ

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, công tác thẩm định vẫn cắt khúc, thiếu gắn kết, đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp luật hoặc giữa nhiệm vụ thẩm định với các nhiệm vụ khác có liên quan. Sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định cũng có nhiều hạn chế như một số cơ quan chủ trì soạn thảo không mời đơn vị thẩm định tham gia quá trình tổng kết, khảo sát đánh giá thực trạng… nên dự thảo gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định còn nhiều vấn đề chưa tạo được sự đồng thuận. Chất lượng thẩm định chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về công tác xây dựng PL trong tình hình mới, còn thiếu tính bao quát; tính phản biện trong VB thẩm định còn chưa cao, chưa tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng VB. Có trường hợp còn để lọt những quy định thiếu tính hợp lý, khả thi, bị báo chí, dư luận phản ánh… Công tác thẩm định một số điều ước quốc tế cũng còn hạn chế, thiếu đầu tư nghiên cứu so sánh, rà soát các quy định của pháp luật quốc tế với hệ thống pháp luật của Việt Nam để đánh giá mức độ tương thích của nội dung điều ước quốc tế. Yếu tố pháp lý, vấn đề điều chỉnh pháp luật phục vụ cho việc tiếp cận, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra trong công tác thẩm định điều ước quốc tế.

 

 

Tham luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung vào phân tích các nguyên nhân khiến chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các nguyên nhân mà Bộ Tư pháp đã chỉ ra là do số lượng dự thảo VBQPPL cần phải thẩm định ngày càng tăng. Trong khi đó, một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện quy trình xây dựng văn bản; hồ sơ thẩm định gửi đến Bộ Tư phá còn sai sót về thủ tục, thiếu các tài liệu quan trọng, quyết định chất lượng thẩm định, thậm chí quá gấp về thời gian. Nhiều trường hợp việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của cơ quan chủ trì mang tính ước lệ, có trường hợp việc giải trình ý kiến thẩm định rất đơn giản trong nội dung tờ trình làm cho việc thẩm định trở nên hình thức. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định thì thiếu về số lượng, nhất là những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đa phần cán bộ làm công tác thẩm định đều trẻ, dưới 30 tuổi chiếm đến 41%...

 

 

Tăng cường nâng cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu

Trên cơ sở đó đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp như hoàn thiện thể chế với việc sửa đổi, bổ sung các VBPL hiện hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan soạn thảo VB và thẩm định VBQPPL, đổi mới cách thức hoạt động của các phiên họp thẩm định, tăng cường vai trò của Hội đồng tư vấn thẩm định... Đặc biệt, Bộ Tư pháp kiến nghị "Văn phòng Chính phủ kiên quyết không đưa vào Chương trình phiên họp Chính phủ những dự thảo VBQPPL chưa tuân thủ qui trình trình xây dựng VBQPPL, nhất là qui trình thẩm định của Bộ Tư pháp", tăng cường công tác theo dõi thi hành PL làm cơ sở thông tin trong quá trình xây dựng và thẩm định VBQPPL, xây dựng cơ sở dữ liệu về thẩm định VBQPPL...

 

 

Ghi nhận ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương và Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, trong 3,5 năm qua công tác thẩm định VBQPPL đã có những kết quả quan trọng, đáng tự hào trên tất cả các phương diện với nhiều "điểm sáng" như công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã “vào cuộc” với Bộ, tổ chức hội đồng tư vấn thẩm định, có những cố gắng ban đầu trong tìm kiếm cơ chế phối hợp giữa công tác tiền kiểm với hậu kiểm và giữa công tác này với công tác theo dõi thi hành PL, giúp 1 số Bộ “phản ứng nhanh” trước một số bất cập của thể chế, giúp VBPL cơ bản phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, hợp hiến, hợp pháp, từng bước có tính hợp lý, chú trọng tính khả thi... hạn chế được những mâu thuẫn, chồng chéo, trái PL, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường vị trí, vị thế của đất nước nhất là trong giai đoạn “nở rộ” của hệ thống PL (2009-3013).

 

 

Bộ trưởng cho rằng, "Vấn đề đẩy mạnh công tác thẩm định VBQPPL đang trở nên cấp bách, là đòi hỏi của đảng, của nhân dân đối với ngành tư pháp nên thời gian tới cần lưu ý tăng cường, nâng cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu cũng như cải tiến lĩnh vực, qui trình của công tác thẩm định để nâng cao chất lượng thẩm định. Hoàn thiện thể chế nội bộ về công tác thẩm định, có sự phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng. Rà soát chức năng nhiệm vụ của Bộ không để chồng lấn, chú trọng công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhất là cho cán bộ trẻ. Mỗi cán bộ cần tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và phải chú ý đến những vấn đề dư luận, báo chí phản ánh, tập trung cao, sâu sắc vào nội dung thẩm định. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, ngành Tư pháp, giữa Bộ, ngành Tư pháp và các Bộ, ngành (pháp chế), sử dụng trí tuệ toàn ngành và cả trí tuệ của những “cánh tay nối dài” là các tổ chức pháp pháp chế...

H.Giang, ảnh Cục CNTT


Cục CNTT