Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”

12/07/2013
Trong 2 ngày 11 – 12/7/2013, được sự hỗ trợ của Viện KAS (Konrad Adenauer Stiftung), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm về giới ở cả trong và ngoài nước cùng đại diện của 12 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận về những bất cập, hạn chế trong việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

Đề cập đến một số hạn chế, bất cập trong công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đa số đại biểu cho rằng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh còn thiếu nhạy cảm về giới, tài liệu hồ sơ không đầy đủ những nhận định, đánh giá liên quan đến giới. Báo cáo đánh giá tác động thiếu những nhận định khách quan về những tác động, ảnh hưởng đến giới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép giới trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo liên quan đến việc lồng ghép giới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình và dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Đa số đại biểu cho rằng lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật là một vấn đề khó, trong đó việc nhận diện yếu tố giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lại chưa có quy định cụ thể và có cách hiểu thống nhất.

Ông Lương Phan Cừ, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tham luận về một số nội dung liên quan đến nhận diện về vấn đề giới trong xây dựng và hoạch định chính sách. Theo ông Cừ, những người làm công tác xây dựng pháp luật cần phải có kiến thức về giới và có nhạy cảm về giới trong công tác xây dựng và hoạch định chính sách. Ông cũng nhấn mạnh về cách thức để nhận diện vấn đề giới, sử dụng phương pháp phân tích giới, công cụ phân tích giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu thảo luận và nhất trí về một số hạn chế và nguyên nhân trong việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Pháp luật về Bình đẳng giới quy định về lồng ghép giới trong việc xây dựng pháp luật chưa thật cụ thể, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Kỹ năng phân tích, lồng ghép giới còn hạn chế. Thiếu nguồn thông tin, thiếu cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện, đầu tư chưa tương xứng cho việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới. Nhận thức của các bộ, cơ quan ngang bộ và của người làm công tác xây dựng pháp luật về giới chưa đầy đủ, chưa nắm chắc các khái niệm cơ bản về giới, Bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới, biện pháp thúc đẩy Bình đẳng giới, các quy định về Lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Người làm công tác xây dựng pháp luật còn thiếu nhạy cảm về giới, thiếu hiểu biết về giới.

Hội thảo cũng được bà Socorro L.Reyes, chuyên gia quốc tế về bình đẳng giới, cố vấn khu vực Trung tâm lập pháp phát triển quốc tế Makati, Philipines chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Bà cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lồng ghép giới trong quy trình lập pháp, soạn thảo và trình các dự án luật, vai trò của việc soạn thảo dự án luật của Bộ Tư pháp Phần Lan; Vai trò của ủy ban phụ nữ ở Nepal; Vai trò của các nữ nghị sỹ trong các cuộc họp kín của nữ nghị sỹ ở Rwanda; thông qua và công bố, vai trò của các cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự; giám sát giới trong quy trình lập pháp của Ủy ban giám sát chung của Nam Phi; những vấn đề về lồng ghép giới trong quy trình lập pháp đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Bà Socorro L.Reyes cũng đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện Thông tư quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật cụ thể là nên sử dụng cụm từ “lồng ghép giới” chứ không phải là “lồng ghép bình đẳng giới” trong dự thảo thông tư. Bổ sung định nghĩa về “trao quyền cho phụ nữ” vì đây không chỉ là bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nữ và nam mà còn có vấn đề là do vị trí bất lợi của phụ nữ qua các thời đại và trong các dân tộc ít người, tôn giáo, giai cấp, chủng tộc…, nên chúng ta cũng đang cố gắng để trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu của Công ước chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn thảo luận và đóng góp ý kiến dự thảo Thông tư quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật. Trên cơ sở kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài về lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật và kết quả của Hội thảo, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư dự kiến sẽ ban hành trong tháng 9/2013.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật