Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu thăm và tìm hiểu về hệ thống pháp luật hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức (tiếp)

14/06/2013
Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu thăm và tìm hiểu về hệ thống pháp luật hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức (tiếp)
Tiếp theo tin đã đưa ngày 10/6 về Đoàn công tác tìm hiểu kinh nghiệm của CHLB Đức phục vụ quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ở Việt Nam, trong các ngày làm việc tiếp theo, Đoàn đã được nghe Giáo sư Tiến sĩ Robert Esser, Giáo sư Khoa pháp luật hình sự Đức, châu Âu và Quốc tế, Tố tụng Hình sự và Tội phạm kinh tế Đại học tổng hợp Passau (bang Byern) trình bày về các vấn đề lớn mà Việt Nam đang quan tâm trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự như: quan điểm và kinh nghiệm của Đức về vấn đề nguồn của Bộ luật Hình sự; về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, quá trình phát triển các quy định về tội phạm kinh tế; vấn đề quyền con người trong pháp luật hình sự Đức và trong các Công ước quốc tế liên quan, thống kê tư pháp phục vụ hoạt động đánh giá và theo dõi thi hành án hình sự ở CHLB Đức.

Về nguồn của pháp luật hình sự, bên cạnh Bộ luật Hình sự, các nhà lập pháp của Đức còn quy định các tội phạm trong các luật chuyên ngành, như luật về ngân hàng, luật chứng khoán, luật đấu thầu... cách làm này cho phép quy định các dấu hiệu tội phạm cụ thể hơn trong từng lĩnh vực cụ thể giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng. Điểm lưu ý là một tội phạm có thể được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và vẫn đảm bảo tính thống nhất trong Bộ luật Hình sự.

Về mối quan hệ và ảnh hưởng của các quyền cơ bản đối với pháp luật hình sự, Giáo sư Robert Esser cùng với Thẩm phán Alexander Birk đặc biệt lưu ý về việc xử lý các tội phạm xâm phạm quyền con người, trong mối liên hệ với Tòa nhân quyền châu Âu (Tòa án Straburg). Theo đó, công dân có quyền kiện ra Tòa nhân quyền châu Âu khi họ cho rằng quyền của họ bị xâm hại mà thủ tục tố tụng trong nước chưa giải quyết. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa nhân quyền chỉ có giá trị khuyến nghị, chứ không có giá trị bãi bỏ quy phạm pháp luật hoặc phán quyết của Tòa án trong nước. Hệ thống pháp luật trong nước của Đức cũng có những quy định rõ nhằm xác định ranh giới và tránh sự lạm dụng các biện pháp bảo đảm an ninh công cộng, trật tự xã hội với các biện pháp bảo vệ quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp và các công ước quốc tế về quyền con người.

Đối với các loại tội phạm môi trường, kinh tế và sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm phòng ngừa các tội phạm kinh tế, Giáo sư Robert Esser và Ts. Heiko Kirchner - Thẩm phán Tòa phúc thẩm đã phân tích các quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh và ngăn ngừa các loại tội phạm cổ cồn trắng, các quy định của pháp luật khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập cơ chế hướng dẫn thủ tục pháp lý, cơ chế thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật. Về các loại tội phạm môi trường, Bộ luật Hình sự của Đức đã có quy định chi tiết về các chế tài đối với các hành vi gây tổn hại đến môi trường, trong đó bao gồm các hành vi gây tổn hại đến nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, gây tiếng ồn, phát tán các tia phóng xạ, kể cả các hành vi xử lý bất hợp pháp đối với các loại chất thải hay điều khiển hoạt động công trình bất hợp pháp. Các biện pháp chế tài điều chỉnh các hành vi vi phạm môi trường rất phong phú, các biện pháp chủ yếu là phạt tiền, phạt tù và yêu cầu bắt buộc khắc phục hậu quả đối với môi trường.      

Trong buổi tới thăm Tòa hình sự liên bang tại Leipzig, nơi có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm các bản án do các tòa án cấp dưới tuyên, Đoàn đã tham dự hai phiên giám đốc thẩm liên quan đến trường hợp phạm tội buôn bán chất gây nghiện và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và trường hợp thứ hai liên quan đến hành vi giết người. Đồng thời, đoàn đã được nghe Thẩm phán tòa hình sự giới thiệu về hệ thống tư pháp của CHLB Đức, quy trình tố tụng nói chung và các thủ tục tại phiên tòa giám đốc thẩm, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tòa án, cơ chế hoạt động của từng hội đồng xét xử, cách thức phân công nhiệm vụ giữa các thẩm phán trong hội đồng xét xử, thành phần của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (gồm ba hoặc năm thẩm phán tùy từng trường hợp). Đặc biệt, Đoàn đã được chứng kiến sự tham gia và được nghe trình bày về vai trò của luật sư tại các phiên tòa giám đốc thẩm. Đây là một điểm khác so với quy trình tố tụng ở Việt Nam cần được tìm hiểu sâu sắc hơn.

Về vấn đề thống kê tư pháp, bà Monika Becker, Trưởng phòng khoa học hình sự - phòng ngừa tội phạm và thi hành án hình sự Bộ Tư pháp Liên bang đã giới thiệu cho đoàn một bức tranh tổng thể và rất sinh động về hoạt động đánh giá và theo dõi thi hành án hình sự tại CHLB Đức. Những số liệu thống kê thực tiễn đã đưa ra được những đánh giá rất có ý nghĩa, trong vòng hơn 50 năm qua, số lượng tội phạm ở Đức có chiều hướng giảm xuống song tính chất và mức độ phạm tội lại có chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn, đòi hỏi pháp luật phải có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời.  

Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật hình sự hành chính đưa tin từ Berlin, CHLB Đức