Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định qui định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

12/06/2013
Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định qui định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên
Sáng nay (12/6), Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định qui định chi tiết biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên do Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức đã được khai mạc tại Hà Nội.

Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ trưởng pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa chủ trì và có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia pháp lý, chuyên gia bảo vệ trẻ em, đại biểu các địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, TP.HCM, Lào Cai, TP.Hải Phòng, các cơ quan, tổ chức liên quan…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong bốn biện pháp xử lý hành chính được qui định tại Phần thứ 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là biện pháp giáo dục tại cộng đồng, được áp dụng đối với một số đối tượng vi phạm pháp luật là người chưa thành niên, người nghiện ma túy, người có hành vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

 

 

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính lần đầu tiên được qui định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là những biện pháp thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo (biện pháp nhắc nhở) và thay thế cho biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên (tại khoản 3 điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính) nhằm giáo dục người chưa thành niên vi phạm thay cho chế tài chính thức. Đặc điểm của các biện pháp này là dựa vào cộng đồng và các tổ chức tại cơ sở và gia đinh để giáo dục người vi phạm, do Ủy ban nhân dân, Công an, tư pháp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được TS.Philip W.Harris (Học giả Fulbright – Đại học Quốc gia Hà Nội) giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế về xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đại diện các địa phương trình bày về tình hình áp dụng biện pháp quản lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng, quản lý người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định; chương trình cai nghiện tại cộng đồng tại Hải Phòng, Lào Cai;, đại diện tổ chức FHI 360 giới thiệu về lợi ích các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

 

 

Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề cũng như các qui định liên quan đến người chưa thành niên, người nghiện ma túy và nhiều nội dung khác của dự thảo đang còn nhiều ý kiến khác nhau như: tên gọi dự thảo Nghị định; thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định; qui định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản lý người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…

 

 

Những ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ được Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tổng hợp, tiếp thu để có ý kiến đóng góp về qui trình, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, những nội dung khác của dự thảo Nghị định nhằm góp phần xây dựng Nghị định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

H.Giang


Cục Công nghệ thông tin