Phòng chống buôn bán người: Trẻ em phải là đối tượng ưu tiên hỗ trợ

23/12/2009
Phòng, chống buôn bán người (BBN) luôn là vấn đề thời sự của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là buôn bán nô lệ kiểu mới vì ngoài trao đổi người, còn có hành động bóc lột người. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý là một trong những biện pháp để đương đầu với vấn nạn BBN. Dự án Luật Phòng, chống BBN của Việt Nam hôm qua (ngày 22/12) đã được đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, nhằm “đưa cuộc sống vào luật” như mong muốn của ông Nguyễn Công Hồng - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính - Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật này.

Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống BBN - đối tượng dễ bị ảnh hưởng của nạn BBN, bà Nguyễn Thanh Trúc, Đại diện UNICEF cho rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong phê chuẩn và thực hiện Công ước quyền trẻ em nhưng vì nạn BBN diễn biến rất phức tạp, hệ thống pháp luật lại chưa tương thích với các quy ước quốc tế về vấn đề này, cũng như chưa có một lực lượng chuyên nghiệp để trợ giúp các nạn nhân bị buôn bán, nhất là trẻ em, nên chưa đạt hiệu quả ngăn ngừa và trừng trị các hành vi BBN.

Dự luật Phòng, chống BBN được xây dựng với trọng tâm phòng là chính. Tuy nhiên, đại diện của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cho rằng, dự thảo Luật phải xác định trẻ em bị buôn bán là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các đối tượng này được hưởng những chính sách liên quan. Đồng thời phải đảm bảo quan điểm ưu tiên đối tượng trẻ em là nạn nhân của nạn BBN trên cơ sở đảm bảo các quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em… Hiện dự luật mới nhìn nhận trẻ em là nạn nhân của nạn BBN là đối tượng đặc thù là chưa phù hợp, mà cần tách thành đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, cần quy định “địa vị pháp lý” cho các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về trẻ em bị buôn bán để tạo thuận lợi cho quá trình xử lý thông tin. Và để tránh việc buôn bán trẻ em, cần qui định chặt chẽ, thậm chí có thể thành “nhiêu khê” các thủ tục để đưa trẻ em ra khỏi biên giới như kinh nghiệm của nhiều nước.

Từ quan điểm của những người làm công tác quản lý lao động ngoài nước, bà Nguyễn Thúy Lai (Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ LĐTB&XH) đề nghị phải quy định rõ về khái niệm “bóc lột sức lao động”, cũng như quy định của điều 12 dự thảo để tránh những cách hiểu sai lệch về vấn đề xuất khẩu lao động. Còn đại biểu của Viện Khoa học Thanh niên lại lo ngại về tính khả thi của các quy định tại điều 51 (hỗ trợ nạn nhân sau khi tiếp nhận), điều 59 (tiếp tục hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống). Vì theo các quy định này có thể dẫn tới sự “phình to” của bộ máy chuyên trách từ TƯ đến địa phương để theo dõi, tiến hành các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán.

Đấu tranh phòng, chống BBN cần hành động bền bỉ và kiên quyết, đòi hỏi trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trên cơ sở các cuộc khảo sát đánh giá tác động của dự án Luật Phòng, chống BBN (tiến hành trong tháng 11/2009 tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ) cho thấy, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống BBN, tăng cường vai trò của xã hội, chính quyền địa phương trong tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân bị BBN…

Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Phòng, chống BBN sẽ được hoàn thiện theo những yêu cầu từ thực tiễn để kịp trình Chính phủ dự thảo Luật vào tháng 7/2010./.

Huy Anh