Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005: Sẽ thừa nhận chế định vật quyền?

22/12/2009
Liên quan đến phần về quyền sở hữu, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 có thể sẽ xem xét để điều chỉnh chế định vật quyền. Phối hợp với Dự án Jica, Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm về vật quyền phục vụ việc sửa đổi BLDS 2005.

Quá chật vật để có tên!

Ông Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, vật quyền từ xưa tới nay trên thế giới vẫn được xem là phạm vi truyền thống của luật tài sản. Thế nhưng, hiện nay vật quyền lại quá chật vật để được nhắc đến tên trong các văn bản pháp luật Việt Nam và trong cả các giáo trình dạy về luật dân sự, mặc dù nội dung của nó đã có phần ít xuất hiện trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005. “Bữa nay Ban sửa đội BLDS 2005 “tự ý” quyết tâm cho dân chúng nhắm “món” vật quyền. Điều đó mừng lắm! Song cần những gì để xào xáo “món” vật quyền thì xem ra không phải là dễ”, ông Cương ví von. Vì vậy, ông Cương kiến nghị, phải nghiên cứu cụ thể về tất cả và từng loại quyền trong sự suy ngẫm đến truyền thống - hiện tại - tương lai, phải nhìn từng chi tiết trong nội dung của vật quyền liên quan tới các chế định pháp luật khác, đồng thời cần có các chuyên đề riêng cho từng vật quyền.

Ông Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Quốc gia TP. HCM) cho biết, trong quan niệm của các nước theo văn hóa pháp lý La Mã - Đức, vật quyền được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một tài sản, cho phép chủ thể trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật đối với một tài sản. Căn cứ vào tiêu chí phân loại là tính chất của sự tác động mà người có quyền có thể thực hiện đối với vật, luật Việt Nam hiện hành có một số vật quyền mang tính chất quyền đối vật chính. “Do khái niệm vật quyền chưa được thừa nhận nên các vật quyền này chỉ được ghi nhớ bằng những tên gọi đặc thù: quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền thuê quyền sử dụng đất ở, đất chuyên dùng”, ông Điện khẳng định. Còn các quyền đối vật phụ thì luật thực định của Việt Nam chưa hề xây dựng mà mới chỉ ghi nhận các biện pháp bảo đảm đối vật cho việc thực hiện nghĩa vụ như cầm cố, thế chấp tài sản.

Quyền sử dụng đất là một loại quyền hưởng dụng?

Chỉ đề cập tới chế định quyền hưởng dụng - một trong số các vật quyền ngoài quyền sở hữu, ông Cương cho rằng, đây là một vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác, khác với quyền sở hữu là một vật quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Quyền hưởng dụng, bao gồm quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi trên tài sản, có thể được thiết lập trên tất cả các loại tài sản. Về hệ quả pháp lý của phạm vi quyền hưởng dụng, ông Cương phân tích, trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao, người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản; trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản không tiêu hao, người hưởng dụng phải thụ hưởng tài sản như một người quản lý tận tâm và trao trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng.

Vậy quyền sử dụng đất có phải là một loại quyền hưởng dụng không và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này là thế nào? Theo ông Cương, với quan niệm lâu nay tài sản đất đai thuộc sở hữu nhà nước, nhà nước cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng thì có thể coi quyền sử dụng đất là quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, ông Điện lại cho rằng, quyền hưởng dụng là một loại vật quyền tách ra từ quyền tư hữu, không phải dạng quyền sở hữu sâu, trong khi quyền sử dụng đất là một loại quyền được nhà nước công nhận và trao cho người dân. “Nếu quyền hưởng dụng biến mất thì tài sản thuộc về sở hữu tư, còn quyền sử dụng đất biến mất thì tài sản thuộc về nhà nước. Bởi thế, bản chất của 2 quyền trên là khác nhau”, ông Điện lý giải.

Hoàng Thư