Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật”

16/04/2013
Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật”
Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; được sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer Stiftung Cộng hòa Liên bang Đức (Viện KAS), sáng nay (16/4), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; đại diện Vụ Pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp. Thứ trưởng Lê Thành Long và bà Rabea Brauer, Trưởng đại điện Viện KAS tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo.

 

Hội thảo đã nghe các tham luận về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và một số yêu cầu về việc hoàn thiện thể chế; Các chỉ tiêu và thông tin định lượng cho việc đánh giá thi hành pháp luật;  Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chỉ tiêu thống kê quốc gia về thi hành pháp luật;  Mục đích, yêu cầu và cơ sở pháp lý của việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu thống kế quốc gia làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá về tình hình thi hành; Chỉ số MEI và kinh nghiệm xây dựng Chỉ số đánh giá tình hình thi hành pháp luật…

Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, theo dõi thi hành pháp luật vẫn là một nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp và có phạm vi rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật vẫn được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Trên cơ sở rà soát Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan cho thấy, việc hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật cần được thực hiện ở một số nội dung như: Phạm vi trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật; Phối hợp và huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nội dung theo dõi thi hành pháp luật; Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có phạm vi rất rộng, chủ thể và đối tượng theo dõi tập trung vào các cơ quan nhà nước. Để đánh giá một cách toàn diện về tình hình thi hành pháp luật, ngoài việc đánh giá về tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nằm trong phạm vi quản lý, điều hành của Chính phủ và UBND các cấp, thì việc theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật trong các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và các tổ chức xã hội thông qua hoạt động của các cơ quan, tổ chức này là rất cần thiết. Bên cạnh đó sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.  Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận về nội dung “Nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật” trong buổi chiều nay và sáng mai (17/4).