Phiên họp lần thứ 6 tiểu ban hợp tác Việt Nam-EU về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền

15/04/2013
Phiên họp lần thứ 6 tiểu ban hợp tác Việt Nam-EU về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền
Ngày 12/4/2013, tại Brussels – Bỉ đã diễn ra Phiên họp lần thứ 6 Tiểu ban hợp tác Việt Nam – EU về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, trưởng Đoàn công tác liên ngành phía Việt Nam đồng chủ trì Phiên họp.
Thực hiện Điều khoản tham chiếu về thành lập Tiểu ban Hợp tác Việt Nam – EU về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền, Tiểu ban tiến hành các Phiên họp thường niên luân phiên tại hai Bên để kiểm điểm, đánh giá các hoạt động đã thực hiện trong năm và thống nhất Kế hoạch hoạt động cho năm tới.

Phiên họp lần thứ 5 của Tiểu ban được tổ chức vào cuối năm 2010. Hai năm qua, trong khuôn khổ của Tiểu ban, Việt Nam và EU đã thực hiện được nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khách quan mà Tiểu ban chưa tổ chức được các Phiên họp thường niên. Chính vì vậy, ý nghĩa và các nội dung của Phiên họp lần thứ 6 này đều được phía Việt Nam và EU đánh giá cao.

Đoàn Việt Nam sang dự Phiên họp lần này có đại diện các cơ quan thành viên của Tiểu ban đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an. Với tinh thần cởi mở, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau, hai bên đã trao đổi về những vấn đề được quan tâm chung, thảo luận về kết quả các hoạt động hợp tác trong hơn hai năm qua và định hướng hợp tác cho năm 2013 và những năm tiếp theo.

Tại Phiên họp, hai bên đã tập trung trao đổi về các vấn đề liên quan đến nhà nước pháp quyền, những kết quả lớn mà Việt Nam đã đạt được trong cải cách pháp luât cải cách Tư pháp trong thời gian vừa qua. Phía Việt Nam chia sẻ thông tin về quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 và một số đạo luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Đại diện EU cũng giới thiệu về những điểm mới trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của EU; đặc biệt để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống tư pháp, EU đã xây dựng công cụ giám sát tư pháp, đưa ra tiêu chí  để xem xét tính hiệu quả của các hệ thống tư pháp của các quốc gia thành viên EU.

 

Theo chương trình nghị sự, hai Bên cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến quản trị như trao đổi kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng: từ việc hoạch định chính sách,  đến việc xây dựng cơ sở pháp lý, thiết lập cơ chế hữu hiệu để phát hiện sớm và chống tham nhũng một cách triệt để; cập nhật tình hình nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế; tình hình thực hiện Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc (UN CAT); các vấn đề liên quan đến di cư, về tình trạng buôn bán người. Bên cạnh đó, hai Bên cũng đã trao đổi về khuôn khổ pháp lý cho việc đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền công dân, phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam. 

Một nội dung quan trọng được cả hai Bên quan tâm là tiềm năng hợp tác trong năm 2013 và những năm tiếp theo. EU và các nước thành viên EU là một trong những đối tác quan trọng hợp tác hiệu quả với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét, thảo luận cụ thể hơn về chương trình hợp tác trong xây dựng thể chế sau khi sửa HP 1992 liên quan đến quyền con người, pháp quyền; xây dựng 3 đạo luật “rường cột”; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.

Hai Bên cũng nhất trí duy trì tổ chức phiên họp thường niên luân phiên tại mỗi Bên nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời tình hình hợp tác trong khuôn khổ Tiểu ban.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã có buổi làm việc với ông Viorel Isticioaia  Budura – Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á Thái bình dương để trao đổi về tình hình hợp tác chung giữa Việt Nam và EU, trong đó có hợp tác về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền. Ông Tổng Vụ trưởng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Bên thời gian qua và khẳng định, Việt Nam vẫn luôn là một trong những đối tác ở châu Á được EU quan tâm trong quan hệ hợp tác; và vì vậy hai Bên nên sớm xây dựng và tổ chức thực hiện  có hiệu quả chương trình hợp tác với những đề xuất cụ thể đã được đưa ra tại Phiên họp lần thứ 6 của Tiểu ban Việt Nam – EU về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền./.

Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Brussels – Bỉ