Tại buổi tiếp, trong không khí chân tình và cởi mở, các thành viên Đoàn đại biểu Liên hiệp luật gia Ucraina đã chia sẻ thông tin về quá trình cải cách tư pháp ở Ucraina. Bản Hiến pháp mới của Ucraina được thông qua vào năm 1996 và trên cơ sở quy định của đạo luật cơ bản này một số thiết chế mới đã được lập ra như Toà Hiến pháp, Hội đồng Tư pháp tối cao... Tòa Hiến pháp có nhiệm vụ đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp trên toàn lãnh thổ Ucraina; mọi hoạt động của Tòa dựa trên các nguyên tắc: tối thượng pháp luật, xét xử độc lập, tập thể và bình đẳng giữa các thẩm phán, tính công khai, đầy đủ và toàn diện khi xem xét, giải quyết vụ việc và đảm bảo căn cứ khi đưa ra phán quyết.
Việc thành lập Hội đồng Tư pháp tối cao được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp ở Ucraina nhằm đảm bảo tính độc lập của nhánh quyền tư pháp. Về địa vị pháp lý, Hội đồng Tư pháp tối cao là một tổ chức độc lập, được thành lập và hoạt động trên nguyên tắc dân chủ. Hội đồng Tư pháp tối cao có 20 thành viên. Trên cơ sở nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thành viên Hội đồng bao gồm đại diện từ các cơ quan lập pháp và tư pháp, hệ thống cơ quan công tố, các thiết chế xã hội dân sự như luật sư, nghiên cứu khoa học pháp lý.
Các đại biểu Ucraina cũng đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến những thay đổi cơ bản trong chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Công tố theo dự thảo Luật về Công tố đang được xây dựng tại Ucraina.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng trước quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Hội luật gia Việt Nam và Liên hiệp luật gia Ucraina. Bộ trưởng cũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu Liên hiệp luật gia Ucraina trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cải cách pháp luật và từ pháp, đặc biệt, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992.
Giữa Việt Nam và Ucraina có nhiều điểm tương đồng, vì vậy cả hai Bên đều nhất trí cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo những kinh nghiệm quý báu của Ucraina trong cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.