Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm. Ngày 05/4/2013, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng - Trưởng ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập để cho ý kiến về nội dung dự thảo Thông tư liên tịch nêu trên.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Thông tư đã phân tích một số vấn đề “nổi cộm” trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và giải trình về sự lựa chọn của đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư. Trên cơ sở đó, Cục Đăng ký đề xuất một số “cơ chế” để có thể góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua, nhất là trong bối cảnh pháp luật thuộc lĩnh vực này còn nhiều quy định “vướng” ở tầm Nghị định, Luật.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Thông tư liên tịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Am Hiểu – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và đại diện Ngân hàng Nhà nước VN, Ngân hàng Công thương Việt Nam thì một số quy định vẫn chưa tạo được sự chủ động cao nhất cho bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm (ví dụ: Quy định về thời hạn xác định giá bán tài sản bảo đảm hoặc sự phối hợp từ phía UBND và cơ quan Công an trong việc thu giữ tài sản bảo đảm). Song, cũng có ý kiến đề nghị vấn đề xử lý tài sản bảo đảm cần phải cân nhắc để “tính” đến việc bảo vệ bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản) nhằm phù hợp với nguyên tắc bảo vệ bên “yếu thế” trong giao dịch dân sự (đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường). Theo ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thì với giá trị pháp lý của văn bản hướng dẫn, việc lựa chọn những vấn đề điều chỉnh như dự thảo Thông tư là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định trước những khó khăn trong việc xử lý nợ, xử lý hàng tồn kho thì việc ban hành Thông tư là rất cần thiết. Thứ trưởng yêu cầu Cục Đăng ký và Tổ biên tập tiếp tục bám sát kế hoạch để có thể trình, ban hành Thông tư đúng thời hạn, đồng thời rà soát kỹ các quy định của dự thảo để bảo đảm phù hợp với các Luật, Nghị định có liên quan trước khi Bộ Tư pháp tổ chức họp, thống nhất với từng Bộ, ngành được Chính phủ giao liên tịch ban hành Thông tư.
Thu Trang - Phòng Nghiệp vụ, Cục Đăng ký