Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

08/04/2013
Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp
Sáng 6/4, Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 (Chương trình 585) và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, thành viên Ban quản lý Chương trình, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp…

Chương trình 585 là một bước đột phá nhằm thể chế hóa các hoạt động của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Chương trình được chính thức khởi động từ năm 2011. Theo đó, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Thủ tướng trong việc thực hiện Chương trình, đã và đang từng bước triển khai Chương trình rộng khắp trên phạm vi cả nước. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010 – 2012 và giai đoạn 2 từ năm 2013 – 2014, định hướng các hoạt động đến năm 2020.

 

 

Trong giai đoạn 1 triển khai hoạt động của Chương trình (từ cuối năm 2010, năm 2011 và năm 2012), nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế đang hội nhập của nước ta, khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chương trình vẫn được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch. Kinh phí triển khai các hoạt động của Chương trình cũng được thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Kết quả các hoạt động của Chương trình đã khẳng định được vai trò và làm cơ sở cho việc thực hiện thành công Chương trình 585.

Qua 02 năm triển khai, Chương trình đã tạo ra “cú huých” trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành Trung ương. Tại các địa phương, Chương trình cũng được triển khai một cách mạnh mẽ thông qua các hoạt động cụ thể. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp cũng được tiếp thêm sức mạnh cho việc hỗ trợ pháp lý cho các hội viên doanh nghiệp của mình. Nhờ đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình đã được thông tin, giải đáp pháp luật thông qua các tọa đàm, bồi dưỡng, bản tin hỗ trợ pháp lý…,  từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh cho doanh nghiệp.

 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình cũng còn một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai một số hoạt động còn chậm, chưa xây dựng được mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn…

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất đánh giá: Từ khi chính thức đi vào hoạt động, Chương trình đã tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Trên cơ sở phân tích những thành quả cũng như tồn tại, hạn chế sau 02 năm triển khai, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và đóng góp ý kiến để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình 585 trong thời gian tới.

 

 

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thay mặt Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Chương trình đã đạt được trong 02 năm qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Chương trình chưa thực sự bám sát 3 Dự án thành phần mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; việc thực hiện Chương trình còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm để thực hiện dứt điểm các kế hoạch đề ra; Chương tình chưa có những đề xuất cụ thể với Chính phủ để tháo gỡ những vấn đề nổi lên của doanh nghiệp…

Bước sang năm 2013 với nhiều khó khăn và thách thức, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Chương trình cần tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục hỗ trợ thực hiện các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam; tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những vấn đề cụ thể; tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...

 

 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Đinh  Trung Tụng – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cảm ơn những ý kiến của Bộ trưởng và các đại biểu tham dự Hội nghị. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn và  tin tưởng rằng, cùng với sự tham gia trách nhiệm và nhiệt tình của các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình và Tổ Thư ký tại các cơ quan Bộ, ngành, các địa phương và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu của Chương trình đã đặt ra góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp và sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước; đồng thời hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nữa cho các doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hạn chế các rủi ro pháp lý phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 

 

Nhân dịp này, Hội nghị cũng đã công bố và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Giấy khen của Ban Chỉ đạo Chương trình 585 cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CT hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2011-2013.