Bộ trưởng Hà Hùng Cường nghe báo cáo về Dự thảo Nghị định thành lập và tổ chức công ty quản lý tài sản Việt Nam

03/04/2013
Chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nghe các đơn vị liên quan báo cáo về dự thảo Nghị định thành lập và tổ chức công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).

Một trong những nguyên tắc để thành lập các công ty giải quyết nợ xấu như VAMC được các Bộ, ngành chức năng khẳng định là “Không mang tiền nhà nước ra để “giải quyết hậu quả” từ hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD)”. Theo dự thảo, VAMC được thành lập có cơ chế hoạt động đặc thù theo quy định của Chính phủ để xử lý nợ xấu, tạo điều kiện mở rộng tín dụng với lãi xuất hợp lý, cải thiện thanh khoản và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng. Nhưng vấn đề “vướng mắc” là VAMC mới dừng lại ở việc xử lý nợ giữa các TCTD với nhau, trong khi mối quan tâm hiện nay là xử lý nợ xấu giữa doanh nghiệp và TCTD vì nợ xấu và hàng tồn kho tập trung ở doanh nghiệp.

Tham gia thẩm định dự thảo Nghị định này, đại diện Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, bản chất của việc thành lập VAMC thực chất là kéo dài phân kỳ xử lý nợ của các TCTD, phân bổ rủi ro theo thời gian và lành mạnh hóa nguồn vốn nên nhấn mạnh quan điểm “ai gây ra tình trạng nợ xấu thì phải chịu trách nhiệm chính, nghĩa là TCTD vẫn phải xử lý nợ xấu. VAMC chỉ xử lý những khoản nợ có thanh khoản cao, đảm bảo tính đồng bộ về cơ chế xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, góp phần xử lý nợ xấu để tái cơ cấu doanh nghiệp…”. Đồng thời, Vụ cũng đề nghị nêu rõ “sở hữu chéo và năng lực quản trị” cũng nằm trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và xác định rõ mối quan hệ giữa VAMC với Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định còn nhiều điểm gây “lấn cấn” như chưa nêu rõ được cơ chế xử lý giữa việc mua, bán, tỷ lệ phân chia sau khi xử lý nợ giữa Công ty và TCTD; chưa nêu rõ việc các TCTD phải bắt buộc “bán nợ” cho Công ty này hay được thỏa thuận, thiếu tính khả thi về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm, còn mâu thuẫn với một số quy định của Bộ luật Dân sự… Bên cạnh đó, mặc dù Điều 4, Điều 10 của dự thảo đã thể hiện rõ nguyên tắc “Đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xử lý nợ xấu”, song với việc dự thảo quy định nhiều biện pháp hành chính được áp dụng đã gây ra những lo ngại về “lợi ích nhóm” khi VAMC thực hiện xử lý nợ xấu.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường kết luận, dự thảo Nghị định là để triển khai các biện pháp trong Nghị quyết 02/CP, được xây dựng theo thủ tục rút gọn nhưng cần được một Hội đồng liên ngành thẩm định. VAMC được thành lập để tập trung vào các khoản nợ xấu của TCTD thương mại Việt Nam nên cần xem xét, nghiên cứu về tên của Công ty, phải đưa ra cơ chế để các TCTD nhận thấy “lợi ích khi tự nguyện tham gia quy trình xử lý nợ của Công ty” với tinh thần “TCTD phải tự lo giải quyết các khoản nợ của mình, VAMC chỉ hỗ trợ”. Đặc biệt, cần xem xét kỹ các quy định về quyền hạn của VAMC vì “đây là một Công ty do Nhà nước thành lập, là một doanh nghiệp được hoạt động theo cơ chế đặc thù nhưng không thể có “quyền hành” như một cơ quan hành chính”, xác định rõ cơ chế xử lý nợ xấu của Công ty để phân biệt với các công ty quản lý tài sản thuộc các TCTD….

Trong dự thảo Nghị định, quy trình xử lý nợ xấu do VAMC thực hiện sẽ liên quan đến hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài sản và thi hành án dân sự - các lĩnh vực do Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 28-29/3), Chính phủ đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định thành lập và tổ chức VAMC như một trong nhiều biện pháp, công cụ giải quyết nhanh nợ xấu. Do các thành viên Chính phủ vẫn nghi ngại về khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC nên Chính phủ chưa thông qua được dự thảo, mà tiếp tục giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với Ngân hàng nhà nước về một số vấn đề. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh “không chỉ đợi Công ty này ra đời thì nợ xấu mới được xử lý và cũng không mong VAMC xử lý hết được nợ xấu”.

Hiện Việt Nam chưa có Công ty chuyên mua bán nợ xấu nên nợ xấu của các TCTD đều do các Công ty nước ngoài mua với tỷ lệ thường rất thấp (30%).

H.Giang