Khảo sát về kinh nghiệm xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức

28/03/2013
Khảo sát về kinh nghiệm xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn 2012-2014 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức, được sự hỗ trợ Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (Quỹ IRZ) - Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp đã tổ chức một đoàn khảo sát về việc xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 3 năm 2013.

Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ dẫn đầu với sự tham gia của đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Văn phòng Bộ và Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng.

Trong 5 ngày làm việc tích cực tại thành phố Bonn và Berlin, Đoàn khảo sát đã có các buổi làm việc, trao đổi với Văn phòng Tư pháp liên bang - cơ quan trực tiếp đăng ký và quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức và đại diện Bộ Tư pháp liên bang

Nội dung cuộc làm việc trao đổi với Cơ quan đăng ký liên bang thuộc Văn phòng Tư pháp liên bang tại Bonn tập trung vào các vấn đề  (1) Mô hình, tổ chức của cơ quan đăng ký liên bang (2) Phạm vi và nội dung quản lý lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức  (3) Việc tiếp nhận và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp  (3) Các loại Phiếu Lý lịch tư pháp (4) Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.

Trong thời gian làm việc tại Văn phòng Tư pháp liên bang, Đoàn khảo sát đã thuyết trình về cơ sở pháp lý, thực trạng và định hướng phát triển lý lịch tư pháp Việt Nam. Qua đó tranh thủ sự hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lý lịch tư pháp tại Cộng hòa Liên bang Đức về các vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp mà Việt Nam đang gặp phải. Đoàn khảo sát đã được trao đổi và tư vấn về cơ cấu tổ chức cơ quan lý lịch tư pháp; Việc lưu trữ và chuyển đổi cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và dữ liệu điện tử; Cơ chế phối hợp giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp và các cơ quan nhà nước có liên quan; định hướng phát triển lý lịch tư pháp của Việt Nam theo mô hình một cấp.

Đoàn khảo sát cũng đã được tham quan hệ thống lưu trữ bằng dữ liệu điện tử lý lịch tư pháp, quy trình in ấn và cung cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân qua hệ thống điện tử hiện đại.

Trong thời gian làm việc 01 ngày tại Berlin, Đoàn khảo sát đã có cuộc gặp với Vụ Hợp tác Bộ Tư pháp liên bang và các chuyên gia trong lĩnh vực bồi thường nhà nước. Đoàn cũng đã trao đổi về khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lý lịch tư pháp trong thời gian tiếp theo.

Trong 5 ngày làm việc với lịch trình dày đặc và các cuộc trao đổi sâu về chuyên môn, những kinh nghiệm, thông tin Đoàn thu nhận được thông qua các cuộc trao đổi, làm việc, tọa đàm với Cơ quan đăng ký liên bang – Văn phòng Tư pháp liên bang và Bộ Tư pháp được các thành viên trong Đoàn khảo sát đánh giá rất cao và có ý nghĩa thiết thực đối với việc xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp tại Việt Nam. Những kinh nghiệm quý báu nêu trên sẽ được Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiếp tục nghiên cứu và áp dụng sáng tạo vào thực tế Việt Nam trong xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản về xây dựng, quản lý lý lịch tư pháp cũng như việc tiến tới xây dựng mô hình lý lịch tư pháp một cấp trong thời gian tới một cách hiệu quả.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia