Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại Lào Cai: Tư pháp, Thi hành án dân sự Lào Cai phải chuyển biến đồng bộ

26/02/2013
Hôm qua 25/02, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai về công tác tư pháp, thi hành án trên địa bàn.

Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Vạn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sùng Chúng; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vịnh; Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Văn Cường, cùng lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh.

Khó khăn trong tìm nguồn cán bộ

Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ khi tái lập (tháng 10/1991) đến nay, Lào Cai đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh đều đạt trên 13%/năm. Năm 2012 thu ngân sách nhà nước đạt trên 3200 tỷ đồng, GDP tăng 14%. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Tuy vậy là một tỉnh có đường biên giới dài, trên 64% dân số là người dân tộc thiểu số, 138 xã vùng khó khăn, biên giới nên Lào Cai cũng còn không ít khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội.

Riêng công tác tư pháp, thi hành án, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sùng Chúng phản ánh những khó khăn trong công tác tuyển dụng cán bộ tòa án và Thi hành án. Nguyên nhân theo ông Sùng Chúng đơn giản vì "không ai muốn vào". "Thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp thì phải có cơ chế để thu hút anh em. Nếu không lớp cũ nghỉ hưu sau này sẽ không có người kế cận" - Phó Bí thư đề xuất.

Vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh cũng dẫn chứng những câu chuyện hết sức nực cười do việc thiếu giám định viên phục vụ cho công tác của cơ quan tố tụng "những vụ án tranh chấp liên quan đến ngành thú y rất nhiều nhưng giám định thú y thì cả tỉnh chỉ có 1 người, lại là nữ. Nhiều án phải chờ vị này... nghỉ sinh chế độ song phải có thể giám định, khiến vụ án kéo dài đến cả năm. Thậm chí nhiều vụ phải tạm đình chỉ, gây khiếu kiện cho người dân."

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Vạn cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ của các cơ quan tư pháp trong tỉnh. Ông đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo cán bộ. Làm sao có thể tháo gỡ vấn đề về chế độ chính sách, đặc biệt với những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai "chế độ hiện tại không khuyến khích thu hút được cán bộ giỏi, trong khi công việc đòi hỏi chuyên môn cao", Bí thư nhấn mạnh.

Là một tỉnh miền núi nhiều dân tộc, Bí thư khẳng định nhu cầu về pháp luật đối với người dân là rất cần thiết, cấp bách thế nhưng với mặt bằng dân trí như hiện tại việc tiếp cận pháp luật là rất khó khăn. Do đó, Bí thư yêu cầu công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật, hòa giải cơ sở phải sâu rộng hơn, thiết thực hơn, đầu tư xứng tầm hơn. Trong điều kiện có thể, Bộ Tư pháp cần tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho địa phương về nguồn kinh phí.

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vịnh cũng chia sẻ, vì khó khăn trong công tác tìm nguồn cán bộ mà nhiều khi tỉnh muốn mở thêm công chứng hay đấu giá cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần khẩn trương hướng dẫn đối với những công việc mới như việc chuyển giao kiểm soát thủ tục hành chính....

Trước đó, báo cáo công tác tư pháp, cải cách tư pháp của tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Kim Thái cho biết, ngành Tư pháp Lào Cai đã bám sát các nhiệm vụ của ngành, địa phương. Nhiều lĩnh vực đạt kết quả khả quan như xây dựng, thi hành pháp luật, công tác văn bản, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý.... Công tác điều tra truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến. Riêng công tác thi hành án dân sự cũng đạt những kết quả đáng mừng. Theo Cục trưởng THADS Lê Văn Thông, năm 2012 đã thi hành xong gần 2400 việc, đạt tỷ lệ 92%; thu số tiền gần 18 tỷ đồng trên số có điều kiện thi hành, đạt 91,6%. 4 tháng đầu năm đã thi hành 779 việc, thu số tiền trên 5,3 tỷ đồng...

Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai nhiệm vụ mới

Cám ơn sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đối với ngành Tư pháp và THADS tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng ghi nhận và biểu dương kết quả mà những cơ quan này đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác của ngành như kiểm tra VBQPPL chưa tiến hành nhiều, thường xuyên, nề nếp. Chất lượng còn để xảy ra sai sót. Kinh phí bảo đảm PBPL còn hạn chế. Hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn xảy ra, việc xã hội hóa bổ trợ tư pháp còn chưa mạnh mẽ, độ ngũ luật sư còn mỏng.... Riêng Thi hành án, dù vượt chỉ tiêu, nhưng việc, tiền chuyển kỳ sau tăng, tỷ lệ phân loại án có điều kiện thấp, cá biệt còn để xảy ra vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng yêu cầu ngành Tư pháp phải chuẩn bị các điều kiện thật tốt về nguồn nhân lực cũng như công tác tuyên truyền giúp cho Chủ tịch UBND tỉnh, huyện thực hiện tốt Luật XLVPHC; bàn giao chức năng kiểm soát Thủ tục hành chính từ UBND sang Sở Tư pháp; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác PBGDPL, TGPL; Quan tâm hơn đến công tác quản lý hộ tịch và chứng thực, sớm triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp.

Bộ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo để thành lập Phòng Pháp chế ở các sở, bổ sung kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Lào Cai trong công tác đào tạo luật.

Riêng công tác THADS, những tháng đầu năm 2013 số việc và tiền tăng đột biến, Bộ trưởng yêu cầu ngành THA phải quyết liệt hơn nữa, tránh không để xảy ra sai sót về nghiệp vụ, cố gắng đạt kết quả cao hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho Ngành.

Nhấn mạnh công tác tư pháp là của các Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không phải của Bộ hay Sở Tư pháp, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến tư pháp, thi hành án và giao trọng trách cho các cơ quan tư pháp, thi hành án "Phải chuyển biến cơ bản, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực".

Cũng trong ngày hôm qua 25/02, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã đến thăm Sở Tư pháp, Cục THADS tỉnh.

Thu Hằng