Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm tại tỉnh Khánh Hòa

07/12/2012
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm tại tỉnh Khánh Hòa
Ngày 06/12/2012, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác năm 2012, Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm tại tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký QGGDBĐ) khẳng định trong bối cảnh pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm chưa được quy định chi tiết, đầy đủ, kết quả xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc quá nhiều yếu tố khách quan, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế pháp lý để thúc đẩy nhanh tiến trình thu hồi nợ (ví dụ như hiện vẫn chưa có quy định về thủ tục tố tụng rút gọn) thì việc nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xuất hiện ở mức cao của các tổ chức tín dụng. Tham gia Tọa đàm có trên 50 đại biểu là đại diện của Sở Tư pháp, Cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Cơ quan cảnh sát giao thông, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các công ty mua bán nợ và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa…

Sau khi nghe Ths Hồ Quang Huy - Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày về sự cần thiết, kết quả tổng kết thực tiễn, những điểm mới quan trọng của dự thảo, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và ưu, nhược điểm của từng phương án lựa chọn trong dự thảo TTLT, từ góc độ chuyên môn của mình, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng về nội dung của dự thảo TTLT, ví dụ như: Quyền thu hồi tài sản bảo đảm; vai trò của cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ các bên thực thi thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm; thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản, giải pháp xác định giá bán tài sản bảo đảm và thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản cho người mua, người nhận chính tài sản bảo đảm… Ngoài ra, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã được ông Nishioka - Cố vấn trưởng và ông Tatara - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam bình luận chuyên sâu về nội dung dự thảo TTLT và cung cấp những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc điều chỉnh hoạt động xử lý tài sản bảo đảm.

Kết luận Tọa đàm, TS Vũ Đức Long khẳng định kết quả của Tọa đàm là cơ sở quan trọng, giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp cận được với các yếu tố của thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch trước khi được các Bộ, ngành có thẩm quyền ký ban hành./.

Phòng Quản lý nghiệp vụ - Cục Đăng ký