Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

05/12/2012
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính
Chiều 4/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc đầu tiên với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) sau khi chính thức được chuyển giao từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp vào cuối tháng 11 vừa qua. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Báo cáo với Bộ trưởng về cơ cấu, tổ chức và tình hình, kết quả hoạt động của Cục Kiểm soát TTHC, Cục trưởng Ngô Hải Phan đã điểm lại một số kết quả đạt được trong công tác kiểm soát TTHC thời gian qua. Trong đó, nổi bật là việc thiết lập đồng bộ hệ thống cơ quan, đơn vị chuyên trách nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại Văn phòng 24 Bộ, ngành, 63 địa phương với trên 500 biên chế được giao và gần 12 nghìn cán bộ đầu mối kiêm nhiệm kiểm soát TTHC tại 4 cấp chính quyền. Cục đã đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực thi đơn giản hóa TTHC theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề, đạt tỷ lệ hoàn thành 80%. Cục cũng tích cực tổ chức rà soát 24 nhóm TTHC, quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành đánh giá tác động đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC; cập nhật kịp thời TTHC mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC…

Tuy nhiên, theo ông Phan, công tác kiểm soát TTHC tại Bộ, ngành, địa phương làm chưa “đều tay”, năng lực, trình độ cán bộ, công chức của Cục cũng chưa đồng đều. Đặc biệt, một số cán bộ của Cục còn có những băn khoăn, tâm tư nhất định về chế độ chính sách đãi ngộ, về chuyên ngành đào tạo khi chuyển sang cơ quan mới là Bộ Tư pháp. Vì vậy, thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ của Cục, ông Phan đã phản ánh một số đề xuất, kiến nghị đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và các đơn vị có liên quan nhằm tạo điều kiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC, phát biểu của đại diện các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất vui mừng được chào đón thành viên mới của Bộ Tư pháp và mong rằng với đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo cơ bản của Cục sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình cho nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Ghi nhận những kết quả đã đạt được và chia sẻ với những trăn trở của cán bộ, công chức Cục, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp nhận Cục Kiểm soát TTHC vừa là thuận lợi lớn cho Bộ Tư pháp, tạo thêm một cơ hội để Bộ Tư pháp “vào cuộc” cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương nói riêng. Nhưng Bộ trưởng cũng trăn trở là làm sao tận dụng cơ hội này để công tác kiểm soát TTHC phải tiếp tục đi lên như mong muốn của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Lễ bàn giao Cục về Bộ Tư pháp. Bởi thế, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục, Chi bộ Cục tiếp tục ổn định về mặt tư tưởng, tổ chức cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời tập trung cao độ nhằm hoàn thành nhiệm vụ của năm 2012 đã được Văn phòng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị thật tốt cho nhiệm vụ sẽ được triển khai trong năm 2012. Ngoài ra, Cục phải “bắt tay” xây dựng văn bản sửa đổi các Nghị định có liên quan về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và sẵn sàng đón nhận xây dựng Đề án mới được giao cho Bộ Tư pháp là Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu về dân cư….

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Cục Kiểm soát TTHC, Bộ trưởng rất hoan nghênh đề xuất đưa vào chương trình công tác quý I/2013 về việc Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách TTHC.

Về chính sách sử dụng và đào tạo cán bộ, Bộ trưởng khẳng định, các chuyên ngành đào tạo từ kinh tế, kỹ thuật đến hành chính công và nhiều chuyên ngành khác không phải chuyên ngành luật là hoàn toàn phù hợp với chủ trương tuyển dụng cán bộ của Bộ Tư pháp… Bộ trưởng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, “tận tâm - tận tụy - trách nhiệm” của Cục và bề dày lịch sử, kinh nghiệm của Bộ Tư pháp sẽ thực sự đưa công tác cắt giảm và kiểm soát TTHC của đất nước lên một bước phát triển mới.

Cẩm Vân, ảnh Cục CNTT


Hồng Minh