Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm

06/08/2012
Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ngày 24/07/2012 tại Hà Nội, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp và Dự án JICA đã phối hợp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

Tham dự Tọa đàm có các thành viên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch, đại diện các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư liên tịch: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức hành nghề công chứng, Cơ quan THADS, cơ quan có chức năng cấp, đăng ký biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa…và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục THADS…

Tọa đàm được tổ chức lần này do Ông Takeshi Nishioka - Cố vấn trưởng Dự án JICA và Ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đồng chủ trì là kết quả tiếp nối của Tọa đàm với nội dung tương tự đã diễn ra vào tháng 3 tại Hà Nội, nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia pháp luật, các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến, tiến hành chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch, tiếp tục trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan về nội dung cơ bản của Dự thảo trước khi trình Bộ trưởng các Bộ cho ý kiến. Ngoài ra, việc tổ chức Tọa đàm còn tạo điều kiện để các đại biểu Việt Nam tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong đó có Nhật Bản về cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm.

Thực trạng việc trao đổi và cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm

Tại Tọa đàm, hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan THADS đều khẳng định, thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng hoặc giúp chấp hành viên lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế cho phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế, thông tin về tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hết sức đa dạng, do nhiều cơ quan chức năng khác nhau quản lý. Đối với nhà và quyền sử dụng đất nguồn cung cấp thông tin nhiều cấp nhiều ngành phụ thuộc vào nhà đất đó đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở hay chưa. Trong khi đó, tình trạng nhà và quyền sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ với nhiều chính sách khác nhau nên khi xác minh thì công chứng viên và chấp hành viên phải đến nhiều cơ quan khác nhau nhưng chưa chắc đã có thông tin pháp lý đầy đủ. Mặt khác, việc tiếp cận với những thông tin về tài sản, đặc biệt tài sản là quyền sử dụng đất thì hoàn toàn không dễ dàng và không kịp thời, bởi thông tin giao dịch liên quan đến bất động sản hiện nay phần nhiều nằm ở các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (tại các quận, huyện), trong khi đó những cơ quan này chưa có phần mềm liên kết dữ liệu với nhau và kết nối với dữ liệu ngăn chặn giao dịch của các tổ chức hành nghề công chứng nhằm tránh rủi ro.

Cần thiết ban hành 01 văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm

Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng và tích hợp được cơ sở dữ liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm là động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do đó, thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm không tập trung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, cũng như khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý sự chuyển dịch của tài sản. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm, đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan ĐKGDBĐ với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan THADS, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản. Điều này dẫn đến thực tế là các cơ quan có thẩm quyền lúng túng, thiếu hành lang pháp lý để thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin.

Thông qua nội dung dẫn đề và bản thuyết minh của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp và những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Toạ đàm, có thể thấy hiện nay việc khẩn trương xây dựng và sớm ban hành 01 văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm là hết sức cần thiết để khắc phục những bất cập nêu trên và thực hiện quy định tại Điều 51 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về ĐKGDBĐ, góp phần tăng cường khả năng công khai hóa, minh bạch hóa tình trạng pháp lý của tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Thu Thủy – Cục Đăng ký QGGDBĐ