Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường

02/08/2012
Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường, ngày 31/7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành đánh giá kết quả phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong 06 tháng đầu năm 2012 và trao đổi, đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong 06 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

Tham dự cuộc họp có đại diện Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật). Đồng chí Phạm Quý Tỵ - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại biểu các Bộ, ngành tập trung trao đổi về các nội dung phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trong thời gian qua và thống nhất cao với các nội dung báo cáo của Bộ Tư pháp do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước trình bày tại cuộc họp, đồng thời, đại biểu các Bộ, ngành thống nhất nhận định:

Kể từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) có hiệu lực (01/01/2010), hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường đã có những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN. Đặc biệt, trong năm 2011 và 06 tháng đầu năm 2012, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường như: ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường trong các lĩnh vực quản lý hành chính (TTLT số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP), trong lĩnh vực thi hành án dân sự (TTLT số 24/2011/TTLT-BTP-BQP), trong lĩnh vực tài chính (TTLT số 71/2011/TTLT-BTC-BTP); hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương (TTLT số 18/2011/TTLT-BTP-BNV). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thông tư liên tịch trong các lĩnh vực tố tụng hình sự; tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; thi hành án hình sự. Công tác tuyên truyền, quán triệt Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn cũng được triển khai tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức trong các Bộ, ngành, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thi hành công vụ được giao; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về bồi thường, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho đội ngũ công chức pháp chế của các Bộ, ngành…

Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình yêu cầu và giải quyết yêu cầu bồi thường của các ngành cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các yêu cầu chính đáng và hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại đều được giải quyết đúng quy định của pháp luật, không làm phát sinh các vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Tuy nhiên, trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường cũng còn những hạn chế, được coi là những điểm “nghẽn” trong triển khai thi hành Luật TNBTCNN, đơn cử như công tác phối hợp xây dựng các Thông tư liên tịch về các lĩnh vực tố tụng và thi hành án hình sự ban hành chưa kịp thời; công tác thống kê, thông tin chưa được trao đổi một cách thường xuyên, kịp thời; công tác tuyên truyền chưa triển khai đến được các tổ chức và nhân dân ở cơ sở; biên chế thực hiện nhiệm vụ về công tác bồi thường chưa được bố trí chuyên trách. Nguyên nhân được xác định là do nhiệm vụ của các ngành đều phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, bên cạnh đó, việc tham gia ý kiến đều phải xin ý kiến của Ủy ban kiểm sát và Hội đồng Thẩm phán nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các Thông tư liên tịch; hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường là một nhiệm vụ mới, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ chưa được bố trí chuyên trách, còn kiêm nhiệm nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất thông qua một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong 06 tháng cuối năm 2012 và các năm tiếp theo, như sau: Tăng cường trao đổi thông qua các cuộc họp, bằng văn bản để ban hành các TTLT của năm 2011 sẽ được ký ban hành trong quý III năm 2012; đối với việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cần xây dựng bộ tài liệu tập huấn dùng chung cho tất cả đối tượng để thuận lợi cho nghiên cứu, thực hiện; phối hợp với Bộ Nội vụ để xem xét bố trí biên chế làm công tác bồi thường tại các địa phương trên cơ sở xác định vị trí việc làm ở mỗi Bộ, ngành và địa phương, nếu xét thấy cần thiết sẽ họp liên ngành để giải quyết vấn đề trên.

Bên cạnh đó, nhằm đánh giá thực chất tình hình triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn toàn quốc sau 03 năm Luật TNBTCNN có hiệu lực, đại diện liên ngành nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp tổ chức thành lập Đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành tại 03 địa phương để thúc đẩy hoạt động phối hợp liên ngành cũng như khảo sát, đánh giá thực tiễn việc triển khai thi hành luật ở các Bộ, ngành và địa phương

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đánh giá cao ý kiến tham gia của đại biểu các Bộ, ngành, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tích cực chỉ đạo thực hiện sơ kết 03 năm thi hành Luật TNBTCNN trong ngành theo đúng các nội dung, thời gian quy định; đề nghị các ngành thống nhất việc giao nhiệm vụ tổ chức làm đầu mối về công tác bồi thường của ngành mình (TANDTC, VKSNDTC).