Chi đoàn Cục Trợ giúp pháp lý: Tổ chức toạ đàm “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với đạo đức người thực hiện trợ giúp pháp lý”

12/05/2008
Chi đoàn Cục Trợ giúp pháp lý: Tổ chức toạ đàm “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với đạo đức người thực hiện trợ giúp pháp lý”
Hướng tới kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý và cho phép của lãnh đạo, Chi bộ Cục TGPL, ngày 12/5/2008, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục TGPL đã tổ chức toạ đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo trong hoạt động TGPL”.

Thành phần tham dự: có khoảng 50 đại biểu, bao gồm: lãnh đạo Cục TGPL, đại diện Đoàn Bộ Tư pháp, Chi đoàn Viện Khoa học pháp lý, Vụ Hình sự hành chính, Vụ Dân sự kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Thi hành án dân sự; Báo Pháp luật, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp, các Chi đoàn ở địa phương: Chi đoàn Trung tâm TGPL tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Chi đoàn Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội và các đoàn viên, thanh niên trong Cục.

Toạ đàm tập trung vào thảo luận về tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong hoạt động TGPL. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức, những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người cách mạng. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới, nó tiếp thu, kế thừa và phát triển đạo đức truyền thống của dân tộc thương nước thương nòi, tương thân, tương ái, kết hợp với tinh hoa đạo đức của nhân loại và đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

Đồng chí Vũ Hồng Tuyến (Chi đoàn Cục TGPL): trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Đạo đức công vụ là nền tảng, là gốc, là nguồn lực của người cách mạng, là cơ sở để cán bộ, công chức, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Người đã khẳng định vai trò của đạo đức công vụ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Việc xây dựng đạo đức công vụ hiện nay là cần phải tăng cường giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên với phương châm là tự tu dưỡng, tự rèn luyện là chính, đồng thời kết hợp với sự giáo dục, giúp đỡ của tập thể; phải nhanh chóng cụ thể hoá những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh để cán bộ, công chức, đảng viên lấy đó làm tiêu chí phấn đấu, tu dưỡng, biến những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng thành lập trường chính trị, thành niềm tin sâu sắc của cá nhân và tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng với thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình; xác định việc hoàn thiện chế độ công vụ là nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhà nước, làm cho chế độ công vụ ngày một hoàn bị hơn; hoàn thiện chế độ công vụ phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng về công tác cán bộ; hoàn thiện chế độ công vụ gắn với đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; hoàn thiện chế độ công vụ nhằm xây dựng nền công vụ phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; việc hoàn thiện chế độ công vụ phải đặc biệt quan tâm đến các quy tắc, quy định trách nhiệm, bổn phận công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng.

Đồng chí Đặng Thị Loan (Chi đoàn Cục TGPL) vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN: tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ là “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, thời phong kiến quyền công dân không được bảo đảm. Ngay tư khi giành được nền độc lập, Người đã cùng với Quốc hội khẩn trương xây dựng và ban hành Hiến pháp. Tư tưởng chủ đạo của Người trong công tác tư pháp là xây dựng nền tư pháp nhân dân, đặt trong bộ máy thống nhất trên cơ sở pháp luật. Các cơ quan, cán bộ, công chức phải tuân thủ triệt để pháp luật; việc xét xử phải công khai, bình đẳng. Trong hoạt động TGPL cần phải giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo trong việc tiếp cận với pháp luật. Phải đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật có trình độ chuyên môn. Trong quá trình xây dựng pháp luật cần học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của nhân loại, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài. Luật TGPL đã có sự vận dụng sáng tạo này. Hoạt động của ngành Tư pháp phải gắn với dân, gần với dân, lấy ý kiến nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Việt Khoa (Chi đoàn STP Bắc Ninh) vận dụng và học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, người cán bộ TGPL khi giải quyết vụ việc phải lắng nghe họ, phân tích cho họ hiểu, phải có thái độ ân cần, lắng nghe họ. Cái tâm của người thực hiện TGPL là phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải thích cho họ hiểu. Khi đi TGPL lưu động không phải là giải thích pháp luật một chiều, thao thao bất tuyệt một mình mà phải nghe họ nói, có thể phát thanh trên loa để những người khác không có điều kiện đến dự cũng có thể nghe, hiểu về pháp luật để họ làm theo và không vi phạm pháp luật.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa (Chi đoàn Cục Thi hành án): việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức là cần thiết, đòi hỏi công tác TGPL phải làm lâu dài, có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, có chế độ chính sách đãi ngộ đối với những người thực hiện TGPL để họ yên tâm làm việc, phục vụ người nghèo và đối tượng chính sách.

Đồng chí Tống Thị Hoài Phương (Chi đoàn Cục TGPL): phải phụng công thủ pháp, chí công vô tư, hết lòng về công việc, vì cái chung, bảo đảm sự thực thi pháp luật, có công được thưởng, có tội phải bị trừng phạt. Cán bộ Tư pháp phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào. Người cán bộ tư pháp phải vững vàng về chuyên môn, có bản lĩnh, có tâm và có tầm. Đoàn viên, thanh niên phải chủ động, sáng tạo, trung thực, cảnh giác chống tâm lý ham sướng, tránh khó nhọc, kiên định, giữ vững lập trường và tư tưởng đạo đức cách mạng.

Đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng (Chi đoàn STP Thái Nguyên): Người luôn quan tâm bồi dưỡng đạo đức người cách mạng là vừa hồng vừa chuyên. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động TGPL: Đảng và Nhà nước ta xác định là chính sách đền ơn, đáp nghĩa, hỗ trợ những người có địa vị yếu thế trong xã hội. Trong những năm vừa qua, hoạt động TGPL ở Thái Nguyên đã góp phần trong việc ổn định chính trị ở địa phương. Cán bộ TGPL có sự cảm thông chia sẻ, đồng cảm. Phải xuống với người dân, trăn trở cùng với vụ việc, nỗi lòng của họ thì mới giải quyết thành công vụ việc.

Đồng chí Đỗ Xuân Lân (Chi đoàn Cục TGPL): trong hoạt động TGPL khi tổ chức các đợt lưu động rất tốn kém về công sức, chi phí đi lại, thời gian người chờ đợi thì mình xem có mang lại cái gì cho người dân không?

Đồng chí Lan (Chi đoàn STP tỉnh Hải Dương): để gần dân, hiểu dân thì phải nắm bắt được những yêu cầu của họ, nắm được tâm lý, mục đích của họ để tư vấn, hướng dẫn họ tốt. Người thực hiện TGPL cần khiêm tốn, học hỏi dân, không ngại trong ngay tư tưởng của cán bộ TGPL, phải có sự quyết tâm, lòng nhiệt thành với đối tượng TGPL. Giải thích 1 lần dân chưa hiểu thì phải giải thích thêm, giải thích cho đến khi họ hiểu thì mới thôi.

Đồng chí Thuỷ (Chi đoàn STP Hải Phòng): thanh niên là lực lượng trẻ, còn trẻ về tri thức, nhưng lại có sức lực thì việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công việc như thế nào? Đối với dân phải giúp họ bảo vệ được quyền lợi của dân, làm lợi cho dân. Không chỉ tư vấn cho dân hiểu mà cán bộ TGPL có thể giúp dân làm các thủ tục, giúp họ hoàn thành vụ việc. Cán bộ TGPL khi đi làm trực tiếp cho họ sẽ thuận tiện hơn người dân, như vậy người dân sẽ tin tưởng hơn đối với hoạt động TGPL.

Tham gia toạ đàm, đồng chí Phó Cục trưởng Cù Thu Anh cho rằng việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động, công việc hàng ngày của đoàn viên mới là quan trọng. Dựa vào đặc trưng thế mạnh của  ngành Tư pháp để vận dụng vào trong công việc, đó là tri thức pháp luật. Vận dụng tri thức pháp luật để giúp người dân sống và làm theo pháp luật mới là việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công việc. Phải nắm được những vướng mắc từ cơ sở để có sự hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn ít (khoảng 200 người), cần phải có sự huy động đội ngũ cộng tác viên là những thanh niên trong STP, tình nguyện đi các vùng sâu, vùng xa, đem pháp luật đến với người dân.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, thay mặt cho lãnh đạo Cục, đồng chí Chu Văn Thịnh, Phó Cục trưởng nêu rõ: đưa tư tưởng của Bác vào trong công việc hàng ngày mới là điều quan trọng của thanh niên. Chúng ta chỉ xoay quanh phạm vi những gì đã được công bố mà chưa có sự vận dụng tư tưởng của Bác thì thanh niên chưa thực sự phát triển được. Tư tưởng của Bác vận dụng trong ngành ta như thế nào? TGPL là gần dân nhất, đoàn viên thanh niên phải là sứ giả, là công bộc của nhân dân. Bác Hồ có nói: “Tư pháp muốn gần dân là không được xa dân”. TGPL phải là luôn luôn đi cùng dân. TGPL phải là người tháo ngòi nổ của nhân dân, thương người như thể thương thân. TGPL không để lãng phí, tiết kiệm, tổ chức có kế hoạch, bảo đảm yêu cầu khi đi lưu động. Trung tâm TGPL Bình Định đã giải quyết tốt vướng mắc của bà con những ngày cuối tết mà không đoàn công tác nào của tỉnh giải quyết được, Trung tâm đã được Chủ tịch tỉnh biểu dương khi Đoàn công tác của Bộ Tư pháp về làm việc với UBND tỉnh.

Trong giai đoạn mới hiện nay, thực hiện lời dạy của Người, đối với cán bộ ngành Tư pháp cần phải “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” và “nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và vấn đề làm người”, “phải thực hiện chế độ pháp trị nhưng có lý có tình”. Mỗi cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp cần phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hét, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật, hết lòng vì việc công, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật, kiên quyết đấu tranh với cái ác, cái xấu, không được tự cho mình đứng trên và đứng ngoài pháp luật; phải bảo đảm công bằng công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để tư lợi chi phối, chính trực, công bằng, không thiên vị, tư túi “không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công”. Đối với công tác TGPL cần hiểu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, hướng đến bảo vệ lợi ích tốt nhất của người nghèo và đối tượng chính sách, thực hiện thành công sứ mệnh xoá nghèo và mặt pháp luật mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đối với đoàn viên, thanh niên trong công tác TGPL với tư cách là đội quân xung kích, chủ nhân tương lai của đất nước cần phải rèn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt lời dạy của người là: “không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Vũ Hồng Tuyến - Cục TGPL