Thanh niên Bộ Tư pháp với sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp

31/03/2008
Thanh niên Bộ Tư pháp với sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp
Lần đầu tiên, một cuộc đối thoại có tính chất “truyền lửa” giữa các thế hệ cán bộ đang công tác tại Bộ Tư pháp đã được tổ chức vào ngày 29/3. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đã tham gia buổi đối thoại với các đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng về chủ đề “Thanh niên Bộ Tư pháp với sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp”.

Sẽ có thêm nhiều lãnh đạo là cán bộ trẻ

          Định hướng phát triển của Ngành, chế độ đãi ngộ hiền tài, vấn đề thu nhập, nhà ở, môi trường làm việc, kinh nghiệm làm việc … là những chủ đề được nhiều đoàn viên thanh niên quan tâm tại buổi đối thoại. Đặt câu hỏi về định hướng quy hoạch cán bộ lãnh đạo trẻ ngành Tư pháp, bạn Đỗ Xuân Lân, Cục Trợ giúp Pháp lý vừa hỏi, vừa hiến kế: “Tại sao Bộ Tư pháp không áp dụng chiến lược “cài răng lược” giữa các thế hệ lãnh đạo để thế hệ trẻ chúng tôi có điều kiện trải nghiệm và phấn đấu?. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, quan điểm của Đảng qua mọi thời kỳ đều nhất quán chủ trương chú trọng đào tạo và trọng dụng thế hệ trẻ. Đặc biệt trong thời kỳ gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quyết liệt trong việc đưa ra những chủ trương mới để làm sao có thể mạnh dạn  sắp xếp cán bộ trẻ, cán bộ nữ giữ những trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Bộ Tư pháp đang thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương này. “Vừa rồi, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã rà soát lại quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của năm 2007 và yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ phải tham mưu, phát hiện cán bộ trẻ, cán bộ nữ để bổ sung vào quy hoạch. Trong thời gian tới, Ban Cán sự sẽ làm quyết liệt hơn vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ. Đây sẽ là cơ hội để các bạn tình nguyện xung kích và phấn đấu” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

“Chúng tôi luôn trăn trở về tình trạng chảy máu chất xám”

          Tại buổi đối thoại, không ít đoàn viên, thanh niên không ngần ngại chia sẻ với lãnh đạo Bộ tâm tư “đi hay ở” khi phải đối mặt với thực tế thu nhập thấp, môi trường làm việc chưa đáp ứng lòng mong mỏi phấn đấu của cán bộ trẻ. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, vấn đề thu nhập thấp là một nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám và đó cũng là điều trăn trở mà lãnh đạo Bộ Tư pháp đang dần từng bước tháo gỡ. “Khi cho con em đi học đại học, các gia đình phải đầu tư rất lớn, với mong muốn khi ra trường, con em mình có công việc ổn định, tự trang trải được cuộc sống. Thế nhưng thu nhập của cán bộ trẻ ở ta hiện nay phần lớn không đáp ứng được chi tiêu, liệu các gia đình và bản thân cán bộ trẻ có băn khoăn hay không?” - Thứ trưởng Liên chia sẻ. Từ thực tế này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ phải tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có thêm việc làm và thu nhập từ thêm giờ chính đáng: “Hãy ươm mầm tương lai bằng cách giúp đỡ cán bộ trẻ trong công việc”. Ngoài lý do này, lý do môi trường làm việc được Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh. Hơn ai hết, những người làm lãnh đạo Bộ Tư pháp rất hiểu “Hiền tài chọn môi trường làm việc. Nếu môi trường làm việc không tạo được điều kiện cho cán bộ trẻ cống hiến thì đó là lỗi lớn. Chúng tôi đang cố gắng để người tài không đứng ngoài guồng máy và cũng mong các bạn trẻ mạnh dạn thể hiện năng lực của mình” - Thứ trưởng Liên cho biết

Cán bộ trẻ cần nâng cao trình độ

          Bạn Phan Hoàng Ngọc, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đặt câu hỏi: “Làm thế nào để hạn chế tình trạng không ít Bộ, ngành coi việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp chỉ là thủ tục”. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chủ quan từ phía cán bộ ngành Tư pháp chưa hiểu sâu nhiều lĩnh vực chuyên ngành mà các văn bản quy phạm pháp luật đề cập tới. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: “Kết quả thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp có được coi trọng hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc thẩm định đó có đúng tầm không, có trúng vấn đề không và có giúp ích cho Ban soạn thảo, Chính phủ và Quốc hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hay không”. Bổ sung thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên vị thế của ngành Tư pháp. Truyền thống của ngành Tư pháp là trí tuệ, bởi vậy, kết quả thẩm định cũng phải thể hiện được trí tuệ của những người làm công tác tư pháp. Do đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đều yêu cầu cán bộ trẻ cơ quan Bộ Tư pháp phải không ngừng nâng cao trình độ, nhất là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu công việc. Truyền đạt bí quyết để làm được điều này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng có 3 yếu tố có thể giúp một cán bộ tư pháp thành công. Một là coi trọng quá trình đào tạo, trong đó có kiến thức được đào tạo, nhưng quan trọng nhất là quá trình tự đào tạo. Hai là sự trải nghiệm kiến thức và ba là sự yêu nghề, ý thức tự ái nghề nghiệp.

          Kết thúc buổi đối thoại, nhiều câu hỏi liên quan trực tiếp đến công việc và đời sống của cán bộ trẻ đã được lãnh đạo Bộ giải đáp, nhiều đề đạt, tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ đã được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp thu, giải thích rõ ràng. Dự kiến, trong thời gian tới, việc giao lưu, đối thoại như thế này sẽ được tổ chức định kỳ, thậm chí không định kỳ nếu thanh niên Bộ Tư pháp đề nghị.

Hồng Thuý