Đó là câu kết trong một bài hát về Bác Hồ mà tôi đã từng nghe và cảm động biết bao lần. Và, trong Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng bộ cơ quan Bộ Tư Pháp tổ chức hôm qua (26/3), tôi càng thấy xúc động và cảm phục hơn về những đức tính quý báu, sự hy sinh và tình yêu thương bao la mà người đã dành cho đất nước, dân tộc.
Hơn 20 thí sinh (TS) của 18 đơn vị trực thuộc Bộ Tư Pháp (Vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Trợ giúp pháp lý; Trung tâm Tin học -Vụ Thi đua khen thưởng; Báo Pháp luật Việt Nam; Văn phòng Bộ; Học viện Tư pháp…) với đủ lứa tuổi, thành phần đã sôi nổi tham dự Hội thi. TS Trần Minh Trọng, Vụ Pháp Luật dân sự – Kinh tế tâm sự: “Em biết cuộc thi này từ rất lâu rồi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Và, khi biết Bộ tổ chức cuộc thi này em đã tình nguyện tham gia, không phải để lấy giải thưởng mà tới đây để được giao lưu với các đồng nghiệp và học tập, noi theo kinh nghiệm, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Câu chuyện mà Trọng mang tới Hội thi mang tựa đề “Chú làm như thế không được”. Câu chuyện diễn ra với tình huống Bác Hồ bị ốm nặng, sốt rất cao, trong khi cuộc kháng chiến của ta đang rất gay go và ác liệt. Trước hoàn cảnh này, Bác đã ra lệnh cho đồng chí bác sỹ (BS) quân y phải chữa nhanh và chữa khỏi ngay bệnh cho mình. Nhưng, không đợi cho vị BS này ra tay Bác đã tự gượng dậy tập thể dục, thể thao nâng cao thể lực. Và, như có phép màu, sức khoẻ của Bác hồi phục rất nhanh chóng. Thông điệp mà TS Trọng muốn gửi tới Hội thi chính là nghị lực phi thường của Bác bởi “có sức khoẻ là có tất cả”. Ngoài miệng thì Bác yêu cầu cho vị BS kia chữa khỏi bệnh cho mình, nhưng kỳ thực là Bác tự ra lệnh cho mình phải mau lấy lại sức khoẻ để phục vụ cho đất nước, dân tộc.
Một trong những đề tài quan trọng mà các TS lựa chọn để thể hiện tại Hội thi và cũng là tâm nguyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mọi người thực hiện đó là phải hết mình vì nhân dân, luôn hướng về người dân nghèo, lắng nghe nguyện vọng của dân…, đặc biệt là phải gần với dân. Mở đầu cho mảng đề tài này là tiểu phẩm ngắn gọn nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc của TS Chu Văn Thịnh, Cục Trợ giúp pháp lý với tiêu đề “Cán bộ tư pháp phải gần dân”. Câu chuyện diễn ra trong một tối hè oi ả khi Bác Hồ đến thăm các cán bộ tư pháp tại Việt Bắc. Khi cơm nước xong, Bác có buổi giao lưu, trao đổi trực tiếp với anh chị em về công tác chuyên môn. Trong bầu không khí thân tình này, hơn 100 câu hỏi đã được đưa ra. Và, câu trả lời mang tính thực tiễn rất cao: “Tư pháp muốn gần dân thì đừng xa dân” (câu hỏi: “Làm thế nào để tư pháp gần dân?”) của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động sau này của cả ngành. Quán triệt tư tưởng này, qua tiểu phẩm “Bài học về chữ quan liêu” của TS. Lê Thị Hồng Hải, Vụ Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật muốn chúng ta thấm nhuần hơn nữa tư tưởng “gần dân” của Người bằng cách tránh xa căn bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch; phải lấy dân làm gốc, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của dân… Bạn cũng liên hệ, với ngành tư pháp, không chỉ qua báo cáo mà phải đi trực tiếp cơ sở, đồng thời phát huy tính hiệu quả của các văn bản, đặc biệt, phải biết nhìn từ trên xuống và từ dưới lên thì mới đạt được kết quả cao…
Không chỉ một lòng hướng về nhân nhân, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta còn đặc biệt quan tâm đến những người phụ nữ nghèo, đến đời sống, sinh hoạt của họ. Điều đó cũng cho thấy Người đánh giá rất cao vai trò của họ. Câu chuyện “Bác không đến thăm thím thì đến thăm ai?” do TS Nguyễn Minh Hằng, Vụ Tổ chức cán bộ kể lại với bối cảnh Bác đến thăm gia đình một chị làm phu bốc vác tại Ga Văn Điển, Hà Nội đã cho chúng ta thấy rõ tấm chân tình ấy của Bác. Đó cũng là một lời nhắn nhủ các thế hệ mai sau phải không ngừng quan tâm đến đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của chị em, động viên, khích lệ họ rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp của đất nước. Tình thương yêu bao la và tâm tư sâu lặng này của Bác cũng được thể hiện qua phần trình bày của TS Nguyễn Thị Bích Hạnh Báo Pháp Luật Việt Nam với chủ đề “Phụ nữ Bộ Tư pháp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Là một trong 02 TS của Báo Pháp Luật Việt Nam tham dự Hội thi quan trọng này, TS Trần Ngọc Hà đã khiến cho cả hội trường phải xúc động khi mang đến Hội thi 02 bài hát về Bác với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào của xứ Nghệ. Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh không chỉ đề cập đến những phẩm chất đức quý của Bác mà còn cung cấp cho chúng ta những thông tin cực kỳ giá trị, đó là trí tuệ, mưu lược của Người thể hiện ngay cả trước mũi súng của quân thù, dù cho Bác rất khiêm tốn khi nói về chữ tài của mình.
Phát biểu tổng kết Hội thi, thay mặt Ban tổ chức đồng chí Nguyễn Thị Thuý Hiền, Đảng uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư Pháp đã đánh giá cao những nỗ lực sau 02 tháng chuẩn bị cho Hội thi của các cơ sở. Đồng chí cũng biểu dương những TS đã thể hiện các đề tài bám sát yêu cầu, mục đích của cuộc thi đề ra. Kết quả, giải tập thể đã thuộc về Cục Trợ giúp pháp lý - đơn vị có số TS đăng ký tham gia đông nhất. Giải nhất của cuộc thi được trao cho TS Chu Văn Thịnh, Cục Trợ giúp pháp lý – TS nhiều tuổi nhất (58 tuổi) tham gia Hội thi. Giải nhì cuộc thi được trao cho 02 TS Lê Thị Hồng Hải, Vụ Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và Nguyễn Minh Hằng, Vụ Tổ chức cán bộ; 04 giải ba, 05 giải khuyến khích và 1 số giải khác cũng được trao cho các tiết mục có giá trị./.
Đoan Trang