Nghị định (NĐ) số 08/2000/NĐ-CP (ngày 10/3/2000) của Chính phủ quy định chung về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ). Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, "chiếc áo" này đã xuất hiện những lỗ thủng cần "vá" ngay để khắc phục những khó khăn trong hoạt động ĐKGDBĐ. Đó là nhận định của Ban soạn thảo (BST) NĐ thay thế NĐ08 tại cuộc họp đầu tiên vào sáng 13/8.
Điều chỉnh chung hay cụ thể?
Theo ông Trần Đông Tùng (Phó Cục trưởng Cục ĐKQG GDBĐ – Bộ Tư pháp), NĐ 08 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Bộ luật Dân sự 2005, cũng như cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế một cách có hệ thống các quy định về trình tự, thủ tục ĐKGDBĐ, thời điểm có hiệu lực, thời hạn hiệu lực của việc đăng ký... vì một số nội dung liên quan trong NĐ 08 chỉ phù hợp với ĐKGDBĐ bằng động sản, mà không thể áp dụng chung cho việc đăng ký đối với tất cả các loại tài sản khác là quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sử dụng (QSD) rừng, QSD mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển. Ngoài ra, NĐ 08 chưa có quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực ĐKGDBĐ (để thực hiện việc đăng ký trực tuyến) nên việc đăng ký và tìm hiểu thông tin chưa kịp thời, đôi khi làm mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn của cá nhân, tổ chức và gây tốn kém cho các bên liên quan.
Tuy nhiên, các thành viên BST vẫn còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của NĐ mới nên chưa thống nhất sẽ xây dựng NĐ này theo hướng thay thế hoàn toàn NĐ 08 hay chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết. Dự thảo NĐ quy định trình tự, thủ tục chung về đăng ký và cung cấp thông tin đối với tất cả các loại GDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, QSDĐ, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác mà không quy định chi tiết (quy định riêng) về trình tự, thủ tục đăng ký đối với từng loại GDBĐ cụ thể, do việc ĐKGDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, QSDĐ, tài sản gắn liền với đất hiện đang được quy định tại các NĐ còn hiệu lực thi hành và để tránh trùng lặp. Cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo NĐ cần thu hút tất cả các quy định về trình tự, thủ tục ĐKGDBĐ trong các văn bản pháp luật hiện hành theo hướng thiết kế quy định thủ tục đăng ký riêng đối với GDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, QSDĐ, QSD rừng, QSD mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng BST Nguyễn Thuý Hiền cho rằng, cần làm rõ ưu điểm, tồn tại của việc xây dựng NĐ thay thế hay sửa đổi, bổ sung, rà soát để đảm bảo sự phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành cũng như đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất về ĐKGDBĐ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân.
Thống nhất một cơ quan quản lý Nhà nước
Dự thảo NĐ quy định bổ sung nội dung quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, đồng thời bổ sung quy định UBND cấp tỉnh giao cho một cơ quan chuyên môn giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ cho phù hợp thực tiễn của địa phương. Qui định này nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Minh Tuấn (Đại học Luật Hà Nội) bởi nếu qui định cụ thể là Sở Tư pháp quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ ở địa phương thì sẽ gây “khó” cho cơ quan này vì không thể chỉ đạo các cơ quan cùng cấp (Sở TN&MT, Sở GTVT…). Song ông Phạm Quang Ngọc (Bộ Nội vụ) lại cho rằng cần phải quy định cụ thể cơ quan chuyên môn nào ở địa phương giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ mới đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, thuận lợi trong việc thống kê, báo cáo... Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy, phải qui định đầu mối cụ thể để thống nhất khi áp dụng, tránh tình trạng mỗi địa phương giao cho một đầu mối quản lý về ĐKGDBĐ.
Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng không nhất trí để 2 cơ quan (Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT) cùng quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ vì có thể dẫn đến tình trạng “ông chằng bà chuộc”. Do đó, chỉ nên qui định Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ, còn các các Bộ khác vẫn thực hiện chức năng chuyên môn về ĐKGDBĐ theo qui định của pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định thống nhất thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký đối với các loại GDBĐ là trong ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính…/.
Huy Anh