Ngày 16/5/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 106/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010, trong đó Bộ Tư pháp với chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý liên quan đến lĩnh vực hôn nhân - gia đình. Sau 03 năm thực hiện, có thể thấy, yếu tố pháp luật đã đóng một vai trò không nhỏ trong tiến trình xây dựng và củng cố gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.
Hòa giải – chất keo hàn gắn gia đình
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm Bộ Tư pháp thực hiện Quyết định 106/QĐ-TTg vừa diễn ra ngày 13/8 cho thấy, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải trong việc giữ gìn đoàn kết nội bộ nhân dân nói chung và hạnh phúc các gia đình nói riêng, trong 3 năm qua, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và bộ máy chính quyền các tỉnh, thành đã đặc biệt được chú trọng. Từ sự phối hợp này, hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở đã thực sự khởi sắc từ mô hình, nhân sự, cho đến kiến thức, chất lượng hòa giải. Dựa trên tư liệu từ cuốn “Cẩm nang bồi dưỡng phổ biến kinh nghiệm cho hòa giải viên ở cơ sở” do Bộ Tư pháp biên soạn trong đó thông qua việc cung cấp các tình huống hòa giải điển hình về hôn nhân – gia đình xảy ra trong thực tế mà hòa giải viên đã hòa giải thành, cùng với sự nhiệt tình, thấu hiểu, rất nhiều hòa giải viên, tổ hòa giải trên toàn quốc đã thực sự biến công tác hòa giải thành chất keo hữu hiệu hàn gắn các gia đình bên bờ vực tan vỡ.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tính từ năm 1999 đến năm 2008, trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình, số vụ việc nhận hòa giải là 867.762 vụ, số vụ việc hòa giải thành là 719.851 vụ. Từ con số này, có thể nói, trong 3 năm qua hàng trăm ngàn vụ việc mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình đã được giải quyết thông qua hòa giải, góp phần giữ gìn hạnh phúc cho mỗi gia đình và cũng là sự bình yên cho mỗi thôn, xóm, bản làng, khu dân cư.
Trợ giúp pháp lý – bảo vệ gia đình bằng pháp luật
Với thế mạnh trong hoạt động đặc thù của mình là trợ giúp pháp lý, trong 3 năm thực hiện Quyết định 106, ngành Tư pháp đã dành nhiều sự quan tâm tới đối tượng phụ nữ trong hoạt động TGPL. Bên cạnh mô hình Trung tâm TGPL Nhà nước tại các địa phương, Văn phòng TGPL cho phụ nữ thuộc Cục TGPL Bộ Tư pháp đã thực hiện 545 vụ việc, tổ chức khảo sát mở lớp nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, thực hiện các đợt TGPL lưu động... Đối tượng được TGPL là phụ nữ chiếm 44,86%.
Nhận thức được tác dụng của tờ gấp pháp luật đối với người dân, thông qua các đợt TGPL, các Trung tâm TGPL đã phát miễn phí khoảng 200.000 bản/năm về lĩnh vực hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới tuyên truyền, phòng chống các tệ nạn bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới, phổ biến kiến thức về tài sản chung vợ chồng, hôn nhân gia đình... Nhiều Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Khánh Hòa... đã trở thành địa điểm tin cậy của chị em khi gặp các vướng mắc về pháp luật cũng như giúp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình.
Gia đình sẽ thực sự an toàn và bình yên trong sự bảo vệ của pháp luật – đã trở thành một nếp suy nghĩ của rất nhiều chị em phụ nữ khi tìm đến các Trung tâm, Văn phòng TGPL...
Xuân Hoa
Phụ nữ phải là đối tượng đặc thù được hưởng TGPL miễn phí Từ thành công của hoạt động TGPL cũng như tập trung thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam các gia đoạn 2005-2010 và 2011-2020, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các đối tượng đặc thù (phụ nữ) là đối tượng được hưởng TGPL miễn phí và được quy định trong Luật TGPL. |