Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Ban Cán sự Bộ Tài chính: Vài trăm triệu không thể có một dự án luật hoàn thiện

17/07/2009
Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Ban Cán sự Bộ Tài chính: Vài trăm triệu không thể có một dự án luật hoàn thiện
Tại buổi làm việc và gặp mặt thân mật giữa Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ Tư pháp – Bộ Tài chính chiều 16/7, hai bên đã cùng trao đổi về tình hình phối hợp công tác trong thời gian qua, phương hướng công tác trong thời gian tới và đặc biệt đề cập đến những hỗ trợ tài chính để ngành Tư pháp hoàn thành hiệu quả những nhiệm vụ chính trị được giao.

Đầu tư cho xây dựng pháp luật chưa tương xứng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp là xây dựng pháp luật (XDPL). Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, công tác tư pháp và triển khai thực hiện pháp luật nói chung là rất quan trọng vì đó là thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Nhà nước, đưa vào thực thi trong cuộc sống, là yếu tố quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thực tế, những hiểu biết sai về pháp luật do thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và những hành vi cố tình vi phạm pháp luật gây ra nhiều hậu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quan điểm, nhận thức về vai trò của công tác XDPL hiện chưa cao nên đầu tư còn chưa tương xứng, nhất là trước một loạt những yêu cầu của Luật Ban hành Văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) đối với qui trình soạn thảo, xây dựng một dự án VBQPPL, từ tổng kết thực tiễn, thu thập ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức, hoàn thiện VBQPPL, đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước và sau khi VBQPPL có hiệu lực thi hành...

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, “Đầu tư XDPL là đầu tư cho phát triển nhưng với vài ba trăm triệu đồng khó có thể xây dựng được một VBQPPL có “sức sống” lâu dài trước những biến động không ngừng của thực tiễn. Và hậu quả tất yếu là khó có thể có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, ổn định. Vậy nếu có thể chi hàng tỷ đồng để làm một con đường thì sao không thể tăng kinh phí cho hoạt động XDPL?. Thực tế cho thấy, trong nhiều nguyên nhân khiến các VBPL luôn phải thay đổi vì không theo kịp cuộc sống là do thiếu kinh phí trong quá trình soạn thảo”. Và để khắc phục những vấp váp về vấn đề kinh phí trong các dự thảo đề án sắp tới mà Bộ Tư pháp đang xây dựng, Thứ trưởng Liên đề nghị, Bộ Tài chính cử chuyên gia tham gia vào quá trình soạn thảo các đề án để hiểu và hỗ trợ phù hợp cho Bộ Tư pháp thực hiện các đề án đó.

Trước ý kiến này của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, tuy về cơ bản nguồn ngân sách cấp cho Bộ Tư pháp là đủ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên cơ sở nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước, nhưng Bộ trưởng Ninh rất đồng tình với việc sửa đổi nội dung Thông tư số 100/2006/TT-BTC (ngày 23/10/2006) của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước  bảo đảm cho công tác xây dựng các VBQPPL phù hợp với tình hình thực tế xây dựng VBQPPL hiện nay theo hướng và tăng kinh phí XDPL với quan điểm, XDPL là công việc của các cơ quan Nhà nước và cân đối với các hoạt động của Nhà nước. Bộ Tài chính cũng đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa hai Bộ trong việc soạn thảo, ban hành mới, sửa đổi chế độ chi tiêu phù hợp với tình hình hiện nay, trong thời gian tới sẽ trình lãnh đạo xem xét.

Cần hoàn thiện cơ sơ vật chất cho cơ quan tư pháp

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng nhất trí với đề nghị của Bộ Tư pháp về đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở cho các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) địa phương, một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp vì “trụ sở cơ quan công quyền phải khang trang”. Theo Bộ Tư pháp, cơ quan THADS là hệ thống cơ quan “sinh sau đẻ muộn” nên mới được đầu tư manh mún. Hiện hơn 20 cơ quan THADS vẫn phải “sống chung” với Sở Tư pháp hay UBND cấp huyện nên cần được đầu tư tương xứng với những nhiệm vụ được giao, nhất là sau khi Luật THADS có hiệu lực thi hành.

Bộ Tư pháp đã bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý hóa đơn tài chính để có thể áp dụng cho việc quản lý biểu mẫu hộ tịch. Bộ Tài chính cho rằng, cần phải phân cấp mạnh đối với việc in và cấp phát biểu mẫu đến cấp huyện (bằng ngân sách địa phương) theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp ban hành để tránh những vấn đề phức tạp khi tập trung in và cấp phát từ Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường thấy rằng, để thực hiện được thì cần có sự phối hợp của Bộ Tài chính để UBND địa phương chi ngân sách thực hiện.

Bộ trưởng Cường cũng đã đề cập đến những khó khăn trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có khó khăn về tài chính. Do đó, ngoài việc sửa đổi các VBPL liên quan, thời gian tới, hai Bộ cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế để hỗ trợ cho các địa phương nghèo (thu không đủ chi) thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ cho việc thực thi Luật Lý lịch tư pháp, sớm ban hành thông tư liên tịch về phí, lệ phí quốc tịch, trang bị phương tiện chuyên dùng cho cơ quan THADS địa phương, chính sách cho đội ngũ giám định tư pháp, thành lập trường trung cấp Luật số 1 ở khu vực Tây Nguyên, xây dựng nhà số 6 tại trụ sở Bộ Tư pháp, trụ sở cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM…

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã bày tỏ quan điểm thống nhất với những đánh giá của Bộ Tư pháp về hiệu quả của hoạt động pháp chế thuộc Bộ Tài chính. Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008 đã biểu dương những kết quả của pháp chế Bộ Tài chính và coi đó là bài học pháp chế thành công để pháp chế các bộ, ngành khác cần học tập và noi theo. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, đó là bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn hoạt động của Bộ Tài chính, khối lượng VBPL ban hành nhiều, liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội nên pháp chế đóng vai trò lớn, thậm chí chủ đạo công tác xây dựng VBPL của Bộ. Như đánh giá của Bộ Tư pháp, nếu pháp chế bộ, ngành nào cũng mạnh như vậy thì việc xây dựng nhà nước pháp quyền càng nhanh chóng./.

(Huy Anh, ảnh Trung Dũng)