Phiên họp lần thứ 4 Tiểu ban Hợp tác Việt Nam-EC về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền

13/07/2009
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Hà Nội tổ chức Phiên họp lần thứ 4 Tiểu ban Hợp tác Việt Nam-EC về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền tại trụ sở Bộ Tư pháp vào sáng ngày 10/7/2009.

Chủ trì Phiên họp về phía Việt Nam là ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp; về phía EC là ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Hà Nội. Tham gia Phiên họp về phía Việt Nam có đại diện các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ; về phía EC có các quan chức của Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Hà Nội và đại diện Đại sứ quán một số nước thành viên EU tham gia với tư cách quan sát viên.

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên nhắc lại mục đích thành lập Tiểu ban, như Điều khoản tham chiếu đã quy định, là góp phần nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền. Hoạt động của Tiểu ban dựa trên 03 nguyên tắc cơ bản: hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của nhau, trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không đặt các điều kiện tiên quyết; trao đổi quan điểm trên cơ sở không đối đầu và phải mang tính xây dựng; Tiểu ban sẽ báo cáo và khuyến nghị cho Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-EU - là cơ quan theo dõi tiến độ công việc của Tiểu ban. 

Tại Phiên họp, hai Bên đã cùng nhau rà soát lại các hoạt động được triển khai từ Phiên họp lần thứ 3 đến nay như hỗ trợ nghiên cứu về Toà án hình sự quốc tế (ICC); hỗ trợ nghiên cứu về “Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật”; tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề di cư. Hai Bên thống nhất nhận định rằng tuy các hoạt động được triển khai còn ít song đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai Bên.

Về nội dung hỗ trợ thể chế, tại Phiên họp, đại diện các Bộ, ngành của phía Việt Nam đề xuất EC hỗ trợ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền các văn bản này đến nhân dân; đào tạo đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt là ở cấp cơ sở. EC đồng ý về nguyên tắc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành cần cụ thể hoá các đề xuất này và gửi qua đầu mối Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp tổng hợp, chuyển cho Phái đoàn EC tại Hà Nội.

Ngoài ra, hai Bên cũng đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở về một số chủ đề khác như Toà án hình sự quốc tế, xã hội dân sự, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, di cư.

Phiên họp đã diễn ra thành công. Hy vọng rằng từ kết quả Phiên họp này sẽ có thêm các dự án, chương trình, hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam-EU, phù hợp với lợi ích và mong muốn của mỗi Bên.

Tiểu ban Hợp tác Việt Nam-EC về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền là thiết chế hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với Uỷ ban châu Âu, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập vào năm 2003. Mục đích thành lập Tiểu ban, như Điều khoản tham chiếu đã quy định, là góp phần nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị và nhân quyền. Hoạt động của Tiểu ban dựa trên 03 nguyên tắc cơ bản:

- Hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của nhau, trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không đặt các điều kiện tiên quyết;

- Trao đổi quan điểm trên cơ sở không đối đầu và phải mang tính xây dựng;

- Tiểu ban sẽ báo cáo và khuyến nghị cho Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-EU-là cơ quan theo dõi tiến độ công việc của Tiểu ban.

* Tiểu ban đã tiến hành được 03 Phiên họp (2005, 2006 và 2008). Các Phiên họp là diễn đàn để hai Bên tìm kiếm khả năng và cơ hội hợp tác. Dự án “Hỗ trợ thể chế cho Việt Nam” do EC tài trợ cho Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2006-2009) là một trong những ví dụ tiêu biểu cho hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Thông qua hoạt động của Tiểu ban, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành của Việt Nam đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để góp phần hoàn thành các mục tiêu cải cách pháp luật và cải cách tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020./.

Vụ Hợp tác quốc tế