Nghị định 77/CP về tư vấn pháp luật (TVPL) không quy định tư vấn viên được tham gia tố tụng tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều tư vấn viên vẫn đang thực hiện công việc nói trên. Đây là một trong những nội dung được quan tâm trong Tọa đàm góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua 09/7.
Cơ sở đào tạo nào được thành lập Trung tâm TVPL?
So với quy định cũ, Nghị định 77/CP đã mở rộng hơn các đối tượng tổ chức được tham gia thực hiện TVPL. Theo đó, ngoài tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thì các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên ngành luật cũng được thực hiện TVPL.
Việc cho phép các tổ chức nói trên được TVPL theo Bộ Tư pháp nhằm tận dụng đội ngũ đông đảo các chuyên gia pháp luật và đáp ứng nhu cầu học tập, thực hành cho sinh viên các trường ĐH.
Nhưng hiểu như thế nào là cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành Luật? Ngoài các cơ sở đào tạo chuyên ngành (như ĐH Luật HN, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh)…còn có rất nhiều trường ĐH hiện nay có khoa Luật. “Theo Nghị định 77 thì cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật là đơn vị có tư cách pháp nhân nhưng khoa luật làm gì có con dấu, tư cách pháp nhân? Thực tế hiện nay, có những trường ĐH tuy có khoa Luật nhưng tính chuyên ngành Luật chưa sâu, giáo viên vừa thiếu vừa yếu. Nếu mở rộng cho cả những cơ sở như vậy mở Trung tâm TVPL làm sao đủ sức làm tư vấn?” ông Nguyễn Lịch, Giám đốc Trung tâm TVPL Công đoàn Than – Khoáng sản VN nêu ý kiến: “Nên quy định theo hướng khái quát để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thực tiễn đời sống”, ông Nguyễn Văn Thảo, Liên minh HTX Việt Nam bày tỏ quan điểm: “ Nếu chúng ta liệt kê những cơ sở nào được mở Trung tâm TVPL thì dễ bỏ lọt. Vì hôm nay là từng này cơ sở nhưng ngày mai sẽ lại có thêm những cơ sở mới thành lập”. Ông Thảo cũng đề nghị bổ sung các tổ chức kinh tế xã hội vào các tổ chức được thành lập Trung tâm TVPL, dẫn chứng như Trung tâm TVPL của Liên minh HTX VN, đã tồn tại 15 năm nay.
Giám đốc không nên bắt buộc là tư vấn viên
Cũng từ mô hình Trung tâm TVPL của Liên minh các HTX VN, ông Thảo nhấn mạnh: không nên quy định như Dự thảo là Giám đốc, Phó Giám đốc phải được bổ nhiệm trong số các tư vấn viên pháp luật vì như vậy là bó hẹp.
Ông Thảo dẫn chứng, ông là công chức của Liên minh HTX nhưng vẫn kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm TVPL “Giám đốc, Phó giám đốc có thể từ nơi khác về, không bắt buộc phải làm tư vấn. Thực tế là nhiều nơi, Trung tâm chỉ có 2 tư vấn viên mà cả hai là đều là lãnh đạo, bao nhiêu việc tư vấn họ làm tất, những người khác đến chỉ là phục vụ”
Một số ý kiến đồng tình với ông Thảo vì cho rằng Giám đốc Trung tâm là người chủ yếu làm công tác quản lý, không nhất thiết phải là tư vấn viên. Mặt khác đối với các tỉnh miền núi, nơi khó khăn trong việc thu hút người đủ điều kiện vào làm tư vấn viên thì việc quy định như trên sẽ tạo ra sự gò ép, dẫn đến Giám đốc có thể non kém về trình độ quản lý cũng như nghiệp vụ.
Liên quan đến tư vấn viên, Nghị định 77/CP về tư vấn pháp luật (TVPL) không quy định tư vấn viên được tham gia tố tụng bảo vệ, bào chữa cho các đương sự tại Tòa. Tuy nhiên, theo quy định của BLTTHS, nếu không tự bào chữa được cho mình, bị can bị cáo có thể nhờ luật sư và những người khác bào chữa cho họ. “Thực tế, nhiều tư vấn viên vẫn tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi ích của các bên đương sự cũng như bị can, bị cáo trong vụ án hình sự”, đại diện Trung tâm TVPL Thăng Long (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Nên cho phép tư vấn viên được tham gia tố tụng trong một số trường hợp cụ thể, đặc biệt là các vụ đối tượng yêu cầu thuộc diện người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nơi ít hiểu biết về pháp luật”.
Không giới hạn mức trần, thu thù lao làm sao?
Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong tọa đàm hôm qua. Một số ý kiến cho rằng việc quy định thù lao nên giao tổ chức chủ quản và Dự thảo Thông tư phải làm rõ về các khoản mục chi cho hợp lý. Trường hợp đã cân đối thu chi mà vẫn có số dư thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình vì cho rằng để cho tổ chức chủ quản quy định mức thù lao thì có khả năng dẫn đến việc thu tùy tiện, mỗi nơi một kiểu vì Nghị định 77/CP không giới hạn mức trần như trước đây. Do đó, các đại biểu đề nghị việc quy định thù lao phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý; có sự giám sát chặt chẽ của Sở Tư pháp và phải được tuân thủ đúng nguyên tắc tài chính của tổ chức chủ quản.
Hiện nay, dự thảo đang theo hướng mức thù lao với vụ việc cụ thể được căn cứ trên một số tiêu trí cụ thể, được tính theo phương thức trả theo giờ, theo mức thù lao trọn gói, hoặc hợp đồng dài hạn.
Thu Hằng