Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Để Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp Việt Nam”

20/05/2009
Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp, ngày 19/5/2009, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã có buổi làm việc, báo cáo Bộ trưởng Hà Hùng Cường về Chương trình.

Cuộc họp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì, có sự tham gia của Lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: đ/c Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (PLDSKT); đ/c Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ PLDSKT; đ/c Phạm Thị Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật; đ/c Nguyễn Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; đ/c Trần Tiến Dũng, Lê Đình Vinh - Phó Ban Thư ký và đại diện các Vụ: Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Pháp luật quốc tế, Pháp luật hình sự - hành chính.

Tại buổi họp, đ/c Nguyễn Thanh Tịnh báo cáo Bộ trưởng về các hoạt động đã thực hiện để xây dựng Chương trình, cụ thể như:

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chương trình, các thành viên đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ PLDSKT; Vụ Pháp luật quốc tế; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính), Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Ngay sau khi được thành lập, ngày 29/9/2008, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã họp để chuẩn bị các nội dung dự thảo Chương trình, chuẩn bị dự thảo khung chương trình gửi các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện doanh nghiệp về đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện doanh nghiệp về đánh giá thực trạng, nhu cầu và đề xuất nội dung xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp; tổ chức nghiên cứu các chương trình liên quan (chương trình sở hữu trí tuệ, phổ biến pháp luật cho người lao động doanh nghiệp, bồi dưỡng nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa….) và xây dựng dự thảo Chương trình. Sau khi dự thảo được xây dựng Vụ đã họp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, Liên minh hợp tác xã VN… để nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung dự thảo, tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến tại một số địa phương. Sau khi dự thảo được hoàn thành Lãnh đạo Bộ ký Công văn lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến đồng ý về sự cần thiết xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến về cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình. Ý kiến Vụ Pháp luật hành chính, hình sự đề nghị bổ sung thời gian 2009-2014 vào tên chương trình, cụ thể như:“Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2009-2014”. Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chương trình: nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu chung của Chương trình còn quá rộng, khó đạt được kết quả như Chương trình đề ra, trong khi đó, mục tiêu của chương trình được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 66 là: “nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp”. Ý kiến Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Thư ký, Vụ Pháp luật HCHS đề nghị Ban Soạn thảo cần định lượng rõ tỷ lệ % kết quả đạt được đối với từng mục tiêu để có căn cứ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Thứ hai, về các hoạt động của Chương trình

Về xây dựng Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết xây dựng Trang thông tin này, ngoài ra Cục Công nghệ thông tin đề nghị khi xây dựng phải tích hợp với dữ liệu của Bộ Tư pháp, tuân thủ các chuẩn trao đổi dữ liệu để có thể chia sẽ thông tin, cơ chế xây dựng quản lý, cập nhật rõ ràng để tránh tình trạng trùng lặp với các trang thông tin khác. Vấn đề kinh phí Trang thông tin cần bổ sung kinh phí cho việc tích hợp dữ liệu với Cổng Thông tin Bộ và làm rõ nội dung thứ 6 chi phí quản trị trang thông tin là quản trị kỹ thuật hay quản trị nội dung. Ban soạn thảo cần làm rõ sau 4 năm kết thúc chương trình, trang thông tin hoạt động tiếp như thế nào.

Về tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật: đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm số lượng lớp bồi dưỡng, công tác tổ chức, triển khai các lớp bồi dưỡng để đảm bảo tính khả thi khi Chương trình được thông qua. Các vấn đề bồi dưỡng pháp chế doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 122, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thực hiện quản lý vì vậy cần có sự phối hợp trong quá trình thực hiện.

Về nâng cao nghiệp vụ pháp chế cho người làm tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp: hoạt động này được thực hiện thông qua việc tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật cho người làm tư vấn pháp luật, cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật. Trong khi đó, luật sư, luật gia là những người hành nghề tư vấn pháp luật, họ có nghĩa vụ phải trang bị kiến thức pháp luật cho mình vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị không đưa luật sư, luật gia vào đối tượng thụ hưởng Chương trình này.

Về hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: nhiều ý kiến cho rằng hoạt động về hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, trong phạm vi Chương trình đã có 2 hoạt động là thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ doanh nghiệp, trong khi đó 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nội dung hỗ trợ toàn diện này dễ dẫn đến trùng lặp các hoạt động của Chương trình, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để tránh sự trùng lặp, lãng phí.

Thứ ba, thời gian thực hiện chương trình: nhiều đơn vị cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình nên chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2009 - 2012, hết giai đoạn này sơ kết, triển khai tiếp giai đoạn 2 từ 2012 - 2014. Ban soạn thảo cần xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động từng năm của Chương trình. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị xem xét thêm việc kéo dài thời gian thực hiện Chương trình và giai đoạn Chương trình sau năm 2014. 

Thứ tư, kinh phí thực hiện Chương trình: về cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình. Kinh phí thực hiện Chương trình này 193 tỷ là không lớn, nhưng so với nguồn vốn từ ngân sách cho hoạt động này là lớn vì vậy, trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi thêm và Ban soạn thảo cần có dự kiến kinh phí chi tiết kèm theo Chương trình.

Thứ năm, tổ chức thực hiện: nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng Liên đoàn Lao động VN vào Ban chỉ đạo Chương trình. Trong Chương trình cần đề cao vai trò của UBND cấp tỉnh tham gia Chương trình.

 Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: Ban soạn thảo đã công phu chuẩn bị dự thảo Chương trình, doanh nghiệp rất chờ đợi  khi Chương trình này được triển khai. Về đối tượng Chương trình đã xác định rõ, Chương trình này là Chương trình liên ngành, tuy nhiên, mục tiêu của Chương trình còn chung chung, chồng chéo. Các mục tiêu cụ thể cần làm rõ hơn để có cơ sở đánh giá Chương trình. Cần căn nhắc kỹ các mục tiêu Chương trình nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức pháp luật của doanh nghiệp.

Trong Chương trình này chưa đề cập đến vai trò của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, cần xác định vai trò của Câu lạc bộ trong Chương trình để nâng cao năng lực cho Câu lạc bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ, Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có thể giao cho Câu lạc bộ làm để phát huy hoạt động của trang này. Thời gian thực hiện Chương trình cần xác định từng giai đoạn, trước hết làm thí điểm một vài tỉnh sau đó tổng kết để nhân rộng ra. Ban soạn thảo xem xét thêm việc thành lập thí điểm các Phòng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là ở các Sở Tư pháp để tạo mạng lưới hỗ trợ pháp lý đến từng doanh nghiệp.