Xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước: Nhân vật trung tâm trong xây dựng pháp luật

18/05/2009
Tiếp tục các hoạt động để thực hiện đề tài cấp Bộ “Xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, ngày 16/5, các chuyên gia của Bộ Tư pháp (BTP) đã đóng góp những ý kiến về hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) và bổ trợ tư pháp của ngành.

BTP phải là nhân vật trung tâm trong XDPL

Xuất phát từ nhận thức rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN ở nước ta là phải sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, TS.Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) khẳng định, nghiên cứu vai trò của BTP trong hoạt động XDPL là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

BTP là một chủ thể đóng vai trò quyết định trong phạm vi hoạt động XDPL theo nghĩa rộng của các cơ quan thuộc hệ thống Chính phủ. Thời gian qua, vai trò của BTP trong lĩnh vực XDPL ngày càng được mở rộng, với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau liên quan đến toàn bộ quy trình xây dựng VBQPPL, từ hình thành sáng kiến puáp luật, đến quá trình soạn thảo, thẩm định, theo dõi việc thi hành pháp luật và kiểm tra xử lý. Không chỉ đóng vai trò chủ trì soạn thảo các VBQPPL liên quan đến quyền con người, quyền nhân thân, một số thiết chế quan trọng trong sự phát triển xã hội (luật sư, công chứng, giám định, TGPL…), BTP còn thẩm định các VBQPPL không thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành. BTP là đầu mối quan trọng đảm bảo chất lượng của các văn bản trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Tuy vậy, ông Huệ đánh giá, thời gian tới, có nhiều yếu tố buộc phải tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của BTP trong hoạt động XDPL. Hiện nay đã chấm dứt giai đoạn XDPL theo chiều rộng và đang chuyển sang giai đoạn XDPL theo chiều sâu nên cần tăng cường vai trò của BTP, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để thực hiện các công việc mới phát sinh trong hoạt động XDPL như phương thức đánh giá dự báo tác động pháp luật (RIA)… Trong NNPQ, nhiều tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sáng kiến pháp luật. Do đó, BTP phải trở thành nhân vật trung tâm để điều tiết, chỉ huy chung, đưa hoạt động sáng kiến pháp luật của các chủ thể này vào nề nếp, trật tự. Ông Huệ khẳng định, càng mở rộng dân chủ trong hoạt động XDPL thì càng yêu cầu sự tập trung trong việc chỉ đạo công tác này với nhân vật trung tâm là BTP.

Từ thực trạng và yêu cầu đó, trong hoạt động XDPL, vai trò của BTP phải được mở rộng theo hướng trở thành nhân vật trung tâm trong việc giúp Đảng và Chính phủ xây dựng chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Không những thế, BTP phải trở thành nhà lập pháp chủ chốt (được mở rộng thẩm quyền) đối với việc chủ trì soạn thảo các VBPL có liên quan đến quyền con người và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. BTP cũng nên là trung tâm giải quyết mọi vấn đề lý luận liên quan đến hoạt động XDPL trên phạm vi cả nước. Và để tăng cường vai trò của BTP trong hoạt động XDPL, phải xây dựng BTP thực sự trở thành một trung tâm không chỉ “theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước” (như khoản a điểm 6 điều 2 NĐ93) mà còn có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội trong các hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP)

Nhận định về tầm nhìn trong quản lý hoạt động BTTP, theo TS.Nguyễn Thị Minh (Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp), một điều cần được khẳng định là dù quyền hành pháp và quyền tư pháp là hai bộ phận quyền lực có tính độc lập trong cơ cấu quyền lực NN thống nhất, thì sự quản lý NN đối với các hoạt động của các cơ quan, tổ chức và thậm chí là các cá nhân trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có hoạt động BTTP, luôn là một tất yếu.

Nhưng với chủ trương xã hội hóa (XHH) hoạt động BTTP, kết hợp quản lý BTTP với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp mà Đảng và NN đưa ra, bà Minh đánh giá đây là một cách giảm tải cho hoạt động của bộ máy NN. Nội dung khái niệm XHH của công tác BTTP là quản lý các hoạt động theo chế độ tự quản, NN vẫn giữ một vai trò nhất định. Xét về lý luận, NN không nên và không cần thiết phải thực hiện những công việc người dân có thể tự làm mà không ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Bà Minh cho rằng, XHH các hoạt động BTTP có những ý nghĩa rất quan trọng. XHH sẽ giảm thiểu một khối lượng công việc rất lớn mà hiện nay các CBCC đang đảm nhận. Từ đó sẽ giảm một số lượng lớn biên chế, sức ép từ ngân sách NN mà lẽ ra số chi phí đó có thể được dùng vào các mục đích khác phù hợp hơn. NN cũng không thể “vươn tay” tới tất cả các lĩnh vực mà việc gì của dân nên để cho dân làm vì như bà Minh khẳng định “đã đến lúc cần giải quyết triệt để bài toán về sự phân định trách nhiệm của NN và XH trong việc phát triển các thiết chế BTTP theo hướng khẳng định rõ những vấn đề gì chỉ có NN làm, những việc gì NN và XH cùng làm và những việc gì nên giao cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp làm trên cơ sở tuân thủ pháp luật”.

Theo đặc điểm và bản chất nghề nghiệp, hoạt động BTTP là các nghề tự do, không mang tính quyền lực NN nhưng lại có vai trò quan trọng trong XH vì liên quan trực tiếp đến việc thực thi pháp luật và lợi ích cộng đồng. Đó là những cơ sở quan trọng để xác định phương thức tổ chức và cơ chế quản lý từ phía NN./.

Huy Long

Ông Nguyễn Văn Yểu (Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng BTP): “XDPL trong NNPQ không thể để kéo dài tình trạng Luật chờ văn bản hướng dẫn vì người dân chỉ có nghĩa vụ thực hiện Luật (do Quốc hội ban hành), còn văn bản hướng dẫn chỉ là để phục vụ cho cơ quan nhà nước áp dụng Luật. Luật ban hành cho người dân và cơ quan NN thực hiện nên phải có ý kiến và phản hồi ý kiến của người dân mới thể hiện quyền làm chủ của dân. Phải tăng cường vai trò thẩm định của BTP để ý kiến thẩm định của BTP là ý kiến thẩm định của Chính phủ và xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế thành “chân rết” của BTP, ngành Tư pháp tại các Bộ, ngành, địa phương”.