Trong 2 ngày (20-21/5), tại Hà Nội, Nhà Pháp luật Việt - Pháp phối hợp với Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về các dự thảo: Nghị định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) về thủ tục THADS, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về cơ cấu tổ chức, cán bộ của cơ quan THADS, với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam và ủy viên Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhận định, THADS là giai đoạn quan trọng để thực thi pháp luật vì quyết định, bản án của tòa án sẽ chỉ là phán quyết trên giấy nếu không được thực thi trên thực tế. Trong thời gian qua, nhà nước đã xác định đổi mới, thống nhất tổ chức, hoạt động và xã hội hóa hoạt động THADS (bằng việc thí điểm mô hình thừa phát lại tại TP.Hồ Chí Minh) trên cơ sở Luật THADS.
Để thực hiện hiệu quả Luật THADS, Bộ Tư pháp được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng một số dự thảo văn bản hướng dẫn (3 Nghị định và 10 Thông tư liên tịch). Trong quá trình xây dựng các văn bản này, việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là rất cần thiết. Vì vậy, Thứ trưởng hy vọng, qua hội thảo, Việt Nam sẽ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quí báu của Cộng hoà Pháp – quốc gia có nhiều kinh nghiệm tổ chức THADS theo mô hình thừa phát lại.
Theo kế hoạch, trong tuần tới, 3 dự thảo Nghị định về thủ tục THADS, tổ chức hệ thống THADS, tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM sẽ được trình Chính phủ xem xét, ký ban hành để kịp có hiệu lực cùng Luật THADS (từ ngày 01/7/2009)./.
H.G