Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng tiếp Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi

05/02/2009
Thứ trưởng  Tư pháp Đinh Trung Tụng tiếp Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi
Ngày 04/2/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã tiếp Ông Jesper Morch - Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và UNICEF trong thời gian qua, tập trung trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa UNICEF và Việt Nam trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Đặc biệt, hai bên đã thảo luận và thống nhất một số hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi sẽ được triển khai trong các năm 2009 – 2010.

Cùng dự buổi tiếp có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp và một số cán bộ UNICEF Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đón tiếp Ông Trưởng đại diện UNICEF tại Bộ Tư pháp, cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục và hiệu quả của UNICEF với Việt Nam trong thời gian qua trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp và mong muốn quan hệ đó tiếp tục phát triển tốt đẹp. Ông Jesper Morch  cảm ơn Thứ trưởng về những lời nhận xét tốt đẹp dành cho tổ chức này và khẳng định sẽ tiếp tục làm hết sức mình, nỗ lực đóng góp hơn nữa cho quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa UNICEF với Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.

Trưởng đại diện UNICEF bày tỏ quan tâm đặc biệt về quan hệ hợp tác với Bộ Tư pháp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, thiết chế về nuôi con nuôi (cả con nuôi trong nước lẫn con nuôi quốc tế). Bạn đánh giá cao việc Việt Nam đã ký 16 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước trên thế giới. Ông Jesper Morch cũng bày tỏ mong muốn của UNICEF và cộng đồng quốc tế trong việc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi cũng như việc gia nhập Công ước La Hay về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước La Hay). Bạn cũng đề xuất một số biện pháp nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con nuôi giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan của Việt Nam với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Mục đích của các hoạt động này là nhằm tạo được sự đồng thuận và quan điểm đúng đắn, tích cực về hoạt động nuôi con nuôi tại Việt Nam cũng như tăng cường cơ chế hợp tác giữa Bộ Tư pháp với các nhà tài trợ nhằm phát triển công tác nuôi con nuôi.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chia sẻ với Trưởng đại diện UNICEF về những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực này trong thời gian vừa qua và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới  như việc hoàn thiện tổ chức (bổ sung chức năng, nhiệm vụ) của Cục Nuôi con nuôi; tăng cường hoàn thiện cơ chế xử lý nuôi con nuôi trong nước; xúc tiến việc hoàn tất thủ tục ký và phê chuẩn Công ước La Hay cũng như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước này sau khi gia nhập; soạn thảo Luật Nuôi con nuôi; cải cách hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi từ trung ương xuống địa phương;  tăng cường công tác qui hoạch hoá và quản lý các tổ chức con nuôi nước ngoài; kịp thời đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh, xử lý các vi phạm, thiết lập lại trật tự về  nuôi con nuôi  trên phạm vi cả nước nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của trẻ và thuận lợi cho người xin con nuôi trong và ngoài nước.…

Liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý quốc tế ổn định và lâu dài cho công tác nuôi con nuôi, chuẩn bị điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế với các nước trên thế giới, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc xúc tiến hoàn tất các điều kiện cần thiết để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc ký và phê chuẩn Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế. Việc tham gia Công ước sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thay đổi cơ chế xử lý nuôi con nuôi quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự kiến việc ký và phê chuẩn Công ước sẽ được các cơ quan có thẩm quyền quyết định trong năm 2009 .

Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá cao thiện chí của UNICEF trong việc chủ động đề xuất các hoạt động hỗ trợ Bộ trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Nội dung  và lộ trình hoạt động hợp tác nuôi con nuôi do UNICEF đưa ra là hoàn toàn phù hợp với các định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này. Thứ trưởng cũng hoan nghênh ý tưởng của UNICEF về việc tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con nuôi giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; ghi nhận các đề xuất cụ thể của Bạn trong vấn đề này để thảo luận và thống nhất với các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành các hoạt động cụ thể.

Về  nội dung hợp tác toàn diện hơn giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với UNICEF, hai bên nhất trí trong tương lai cần tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc cụ thể ở các cấp nhằm tăng cường hiểu biết, tìm ra những lĩnh vực và phương thức hợp tác hiệu quả.

Thứ trưởng Tư pháp Việt Nam và Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và nỗ lực của hai cơ quan, các hoạt động, chương trình hợp tác mà hai bên đã, đang và sẽ thực hiện sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Chính phủ Việt Nam đã đưa các vấn đề về trẻ em và gia đình vào Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, một trong những văn kiện quan trọng nhất tạo khuôn khổ cho các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động riêng của mình cho đến năm 2010. Giờ đây khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới về kinh tế, chính trị và xã hội, UNICEF cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đảm bảo cho tất cả trẻ em  đều được hưởng các cơ hội phát triển như nhau.   

UNICEF bắt đầu triển khai chương trình hợp tác trên phạm vi toàn quốc với Việt Nam ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975 và đã tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện cuộc sống và phúc lợi cho trẻ em kể từ đó đến nay. Trong hơn ba thập kỷ qua, hoạt động của UNICEF tại Việt Nam đã chuyển từ cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ tái thiết đất nước sang hỗ trợ phát triển dài hạn, trong đó tập trung chủ yếu vào giáo dục, y tế và dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Trong Chương trình hợp tác thứ 8 với Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, với chủ đề “kế thừa và đổi mới”, UNICEF đã tiếp tục cam kết hỗ trợ các lĩnh vực phát triển truyền thống nói trên, đồng thời cũng bắt đầu triển khai những chương trình giúp giải quyết các vấn đề mới nảy sinh đối trẻ em Việt Nam, bao gồm: bảo vệ trẻ em, phòng tránh thương tích ở trẻ em, hạn chế ảnh hưởng của HIV/AIDS và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của thanh niên và tăng cường sự tham gia của họ.

Trong chương trình hợp tác 2006-2010, UNICEF sẽ tham gia nhiều hơn vào việc vận động chính sách mang tính chiến lược cũng như góp phần xây dựng các khuôn khổ và hệ thống pháp lý hỗ trợ việc thực hiện các quyền trẻ em nói chung. Chương trình này bao gồm bảy nội dung trọng tâm sau đây: 1) Y tế và dinh dưỡng; 2) Nước sạch, môi trường và vệ sinh môi trường;  3) Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em; 4) Giáo dục; 5) Bảo vệ trẻ em; 6) Chương trình thân hữu với trẻ em; 7) Lập kế hoạch và chính sách xã hội.

 

Tính đến hết năm 2008, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định hợp tác về NCN với các nước và vùng lãnh thổ.  Bộ Tư pháp đang trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền của Đức và Na Uy để có thể đi đến ký Hiệp định hợp tác về NCN.

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2008, đã có trên 1.700 trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi người nước ngoài, chủ yếu trẻ em được làm con nuôi công dân Hoa Kỳ, Italia, Pháp, Ireland, Canada.

Dự kiến, năm 2009, Bộ Tư pháp sẽ phải xử lý khoảng 1.600 – 1.800 hồ sơ xin con nuôi của người nước ngoài và chỉ đạo địa phương giải quyết khoảng trên 4.000 vụ việc NCN trong nước.

                                            Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_________________________________

Các bài có liên quan: