Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp phái đoàn Cơ quan Trung ương Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo

23/01/2009
Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp phái đoàn Cơ quan Trung ương Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo
Sáng ngày 22/1/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đã tiếp phái đoàn Cơ quan Trung ương của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhân dịp Đoàn sang công tác tại Việt Nam. Hai bên cùng đánh giá các kết quả hỗ trợ của UNDP cho Việt Nam trong lĩnh vực quản trị quốc gia trong bối cảnh Sáng kiến cải cách Liên hợp quốc, thảo luận các chính sách cải cách pháp luật, tư pháp và các nhu cầu hỗ trợ quá trình cải cách của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, hai bên đã nhất trí về việc hợp tác triển khai Sáng kiến của UNDP khu vực về Chương trình tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo.

Phái đoàn của Cơ quan trung ương của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc gồm  Ông Douglas Gardner - Phó Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP New York, kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách phát triển, UNDP New York và Bà Geraldine Fraser-Moleketi - Trưởng Ban Quản trị Dân chủ, Vụ Chính sách Phát triển, UNDP New York (Nguyên Bộ trưởng Bộ Công vụ và Hành chính, Cộng hoà Nam Phi từ 17/6/1999 đến 25/9/2008; Nguyên là đại biểu Quốc hội Nam Phi từ năm 1994 đến 25/9/2008).  Ngoài ra, trong thành phần tháp tùng Phái đoàn Cơ quan Trung ương của UNDP còn có đại diện của UNDP khu vực Châu Á- Thái Bình Dương – Ông  Pauline Tamesis - Điều phối viên Chương trình quản trị quốc gia khu vực Châu Á-TBD, Trung tâm khu vực tại Bangkok, Bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc quốc gia, Ông Christophe Bahuet - Phó Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam và các cán bộ UNDP Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn UNDP với đầy đủ đại diện của tổ chức này ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia  sang thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp, thể hiện sự quan tâm đặc biệt về hỗ trợ hợp tác phát triển của tổ chức này với lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.

Cùng dự hội đàm, về phía Bộ Tư pháp, có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Hợp tác quốc tế, Phổ biến giáo dục pháp luật, Bổ trợ tư pháp và Viện khoa học pháp lý.

Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và UNDP trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa UNDP và Việt Nam trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên nhiệt liệt chào mừng Phái đoàn của UNDP toàn cầu và khu vực lần đầu tiên sang công tác Việt Nam, tới thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp, coi đó là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác pháp luật và tư pháp giữa UNDP và Việt Nam đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Thứ trưởng cũng chia sẻ kết quả tốt đẹp các cuộc làm việc gần đây giữa đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam - Ông Hendra, điều phối viên -  với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng như lãnh đạo một số cơ quan pháp luật và tư pháp Việt nam, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; vui mừng và cám ơn sự ủng hộ của LHQ với ưu tiên hỗ trợ cải cách tư pháp, đã được ủng hộ và nhất trí cao tại cuộc gặp nêu trên. 

Thứ trưởng đánh giá cao quá trình cải tổ các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có “Sáng kiến một LHQ” (“Năm một: Một kế hoạch, Một Ngân sách, Một hệ thống thông lệ Quản lý, Một Lãnh đạo và Một Nhà LHQ”) với mục tiêu tăng cường hiệu quả và hiệu suất của  Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ tốt hơn cho Chính phủ và nhân dân  Việt Nam; vui mừng vì  Việt Nam được chọn là 1 trong 8 nước thí điểm thực hiện Sáng kiến này.  Bộ Tư pháp đã chủ động, cùng các cơ quan  Chính phủ và các tổ chức Liên hợp quốc tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình soạn thảo trình thông qua “Kế hoạch chung” giữa LHQ và Việt Nam. Các hoạt động hợp tác đã, đang và sẽ  thực hiện giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức của LHQ, đặc biệt là UNDP đều phù hợp và nhằm triển khai Kế hoạch chung đã được ký kết, nhằm góp phần thực hiện  thành công Sáng kiến Một LHQ tại Việt Nam. với mục tiêu tăng cường hiệu quả và hiệu suất của  Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ tốt hơn cho Chính phủ và nhân dân  Việt Nam; vui mừng vì  Việt Nam được chọn là 1 trong 8 nước thí điểm thực hiện Sáng kiến này.  Bộ Tư pháp đã chủ động, cùng các cơ quan  Chính phủ và các tổ chức Liên hợp quốc tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình soạn thảo trình thông qua “Kế hoạch chung” giữa LHQ và Việt Nam. Các hoạt động hợp tác đã, đang và sẽ  thực hiện giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức của LHQ, đặc biệt là UNDP đều phù hợp và nhằm triển khai Kế hoạch chung đã được ký kết, nhằm góp phần thực hiện  thành công Sáng kiến Một LHQ tại Việt Nam.

 Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cảm ơn sự ủng hộ của UNDP về sự hợp tác lâu dài, toàn diện và hiệu quả  đối với lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Sự hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực  phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra nhu cầu rất lớn đối với sự hợp tác chặt chẽ hơn, sâu sắc hơn về tư pháp và pháp luật. Thứ trưởng  Hoàng Thế Liên cho rằng thể chế pháp luật và tư pháp cần thực sự trở thành động lực và cơ sở cho sự hợp tác và phát triển bền vững giữa UNDP và Việt  Nam trong thời gian tới. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của UNDP với tư cách là cơ quan điều phối các nhà tài trợ hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực thi các Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược về cải cách tư pháp tới năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp). Thứ trưởng cũng chia sẻ sự cần thiết phải xây dựng và thực thi các Chiến lược nói trên cũng như Chiến lược phát triển ngành Tư pháp trong mối quan hệ tương tác với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập; chú trọng việc  kết hợp đồng bộ, hài hoà giữa việc nghiên cứu, dự báo, xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải cách hoàn thiện bộ máy nhà nước nói chung với việc nghiên cứu, dự báo, xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển của ngành Tư pháp trong một tổng thể thống nhất.

Thay mặt Phái đoàn UNDP, Ông Douglas Gardner bày tỏ vui mừng được sang Việt Nam, tới thăm  và làm việc với Bộ Tư pháp; cảm ơn sự đón tiếp thân tình và những tình cảm tốt đẹp mà lãnh đạo và nhân viên Bộ Tư pháp đã dành cho Ðoàn. UNDP đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp về pháp luật và tư pháp đang được triển khai đồng bộ theo tinh thần các Chiến lược cải cách tư pháp và pháp luật của Việt Nam; nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi, thảo luận về hợp tác pháp luật và tư pháp ở tất cả các cấp, nhằm tăng cường hiểu biết, tìm ra những lĩnh vực và phương thức hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Đại diện của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh chính sách quan trọng  hiện nay của tổ chức này về “Trao quyền pháp lý cho người nghèo”/ “tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo” (Legal Empowerment for the Poor).  Đây là sáng kiến của UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát  triển, trong đó có Việt Nam xây dựng Chương trình hành động quốc gia nhằm giải quyết vấn đề  trao quyền pháp lý cho người nghèo và thiết lập các cuộc đối thoại trong khu vực nhằm giúp các quốc gia có liên quan có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

Tăng cường tiếp cận công lý là một trong những định hướng ưu tiên  của cải cách pháp luật và tư pháp Việt Nam. Hai bên nhất trí rằng pháp luật phải có nhiệm vụ phản ánh và ghi nhận các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của những người nghèo, đồng thời phải quy định các biện pháp bảo đảm cho họ đạt được những nguyện vọng, nhu cầu đó. Trong trường hợp họ không có đủ điều kiện để thực hiện thì Nhà nước, thông qua pháp luật phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ để những người nghèo được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình. Các hoạt động của ngành tư pháp, đặc biệt là thông qua các hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (Luật tiếp cận thông tin, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật về Luật sư, Luật ban hành văn bản QPPL, Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự...), các công tác trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự, phổ biến giáo dục pháp luật....luôn gắn kết chặt chẽ và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tiếp cận công lý cho người nghèo. Chính vì vậy, Thứ trưởng đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến của UNDP khu vực về vấn đề nêu trên, trước mắt là việc Văn phòng UNDP Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đăng cai tổ chức phiên họp đầu tiên tại Băng Cốc từ ngày 23-25/2/2009 với sự tham gia của nhiều bên nhằm thảo luận về khả năng triển khai Sáng kiến về trao quyền pháp lý cho người nghèo.  

Phái đoàn UNDP nhất trí với những đề xuất hỗ trợ của Bộ Tư pháp Việt Nam, hứa sẽ tích cực hỗ trợ nhằm tăng nguồn tài trợ cho Việt Nam, nâng cao hình ảnh các cơ quan Việt Nam và tạo nền tảng cơ bản cho quá trình hợp tác bền vững, lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Hai bên tin rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và UNDP cũng như quyết tâm của hai đối tác, các hoạt động, chương trình hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai bên sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và  quốc tế.

                       Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_________________________________

Các bài có liên quan: