Đó là vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về vấn đề tiếp nhận kinh nghiệm lập pháp nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, với sự hỗ trợ của nước ngoài, các văn bản pháp luật của nước ta được xây dựng theo các mô hình khác nhau (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…).
Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà theo các chuyên gia, làm cho hệ thống pháp luật của nước ta không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức nghiên cứu đề tài về tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Trong khuôn khổ nghiên cứu, hôm 14/1, tại Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý tổ chức toạ đàm, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội… để có thể xâu chuỗi các kinh nghiệm lý luận và thực tiễn, cũng như phân tích các kinh nghiệm hay ở một số nước. Trên cơ sở đó, giúp nhận diện và đưa ra những nhận định ban đầu về tình trạng tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở Việt Nam. Đồng thời có giải pháp nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nước ta trong thời kỳ hội nhập./.
H.Giang