Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008: Tích cực đưa pháp luật vào đời sống

13/01/2009
Ngày 12/1, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) - Bộ Tư pháp đã tổng kết hoạt động năm 2008 và triển khai kế hoạch công tác năm 2009. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Làm được nhiều…

Thay mặt Vụ PBGDPL – Phó Vụ trưởng Phạm Thị Hoà cho biết, bám sát kế hoạch công tác năm 2008, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Vụ PBGDPL đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động PBGDPL, hướng dẫn các Sở Tư pháp tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động Hoà giải cơ sở và xây dựng, khai thác TSPL, sơ kết giai đoạn I (đề án 4) trong Chương trình hành động quốc gia PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (Chương trình 212). Đó là những căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác PBGDPL năm 2008.

Đồng thời, Vụ đã tổ chức một số hoạt động phục vụ xây dựng dự án Luật PBGDPL và Luật Hoà giải – góp phần hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL - như đánh giá hệ thống các qui định hiện hành về PBGDPL, hoà giải cơ sở, rà soát các văn bản liên quan… Vụ cũng tổ chức thành công Hội nghị PBGDPL của Chính phủ (giai đoạn 2003-2007) và triển khai Chương trình giai đoạn 2008-2012, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động Hoà giải cơ sở và xây dựng, khai thác TSPL nhằm đánh giá lại những công việc đã làm được, chưa làm được, rút kinh nghiệm để thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ có vậy, Vụ còn tập trung biên soạn tài liệu phục vụ công tác PBGDPL như sách, tờ gấp pháp luật theo từng lĩnh vực, hoàn thành các đề cương giới thiệu những văn bản pháp luật và Nghị quyết mới được Quốc hội khoá XII ban hành để phổ biến kịp thời cho người dân thông qua Trang thông tin PBGDPL. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác PBGDPL trong trường học, Vụ đã xây dựng chương trình giáo dục pháp luật cho các trung tâm giáo dục cộng đồng, biên soạn các chuyên đề pháp luật cho trường trung cấp chuyên nghiệp, sách bồi dưỡng pháp luật cho giáo viên trung học phổ thông, tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông dạy môn giáo dục công dân lớp 12, hoàn thiện sách giáo khoa, sách giáo viên môn giáo dục công dân lớp 12… Nhờ đó, các nội dung cơ bản của luật pháp đã được truyền tải đến từng học sinh phổ thông, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cũng như trang bị được cho các em những kiến thức pháp luật cơ bản, cần thiết.

Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong chất lượng công tác PBGDPL, năm 2008, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành các công việc phục vụ đánh giá đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp trung ương để có giải pháp kiện toàn, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ... nâng cao chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên.

Nhưng vẫn còn vướng mắc

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động PBGDPL vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó phải kể đến hoạt động phối hợp. Một trong những đặc thù của công tác PBGDPL là hoạt động phối hợp. Với vai trò là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, dù đã chủ động song vì hoạt động phải phụ thuộc vào sự tích cực của các cơ quan phối hợp nên một số công việc vẫn chậm so với tiến độ và chưa thể đạt kết quả đã đề ra. Hoạt động phối hợp cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các chương trình, đề án về PBGDPL có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác nhau.

Ngoài ra, một vướng mắc của công tác PBGDPL chính là yếu tố con người. Ở địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL còn thiếu, các hoà giải viên chủ yếu là kiêm nhiệm. Trong khi đó, cán bộ tư pháp – hộ tịch cơ sở phải đảm đương quá nhiều công việc nên thời gian dành cho công tác PBGDPL (cả quản lý TSPL) không tương xứng nên hạn chế nhiều đến hiệu quả của công tác này ở cơ sở.

Khắc phục những khó khăn này cần có nhiều thời gian, nhưng trong năm 2009, theo ông Phan Chí Hiếu – Trưởng ban thư ký, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, Vụ cần tập trung tuyên truyền pháp luật cho cán bộ cơ sở vì hiện nay, đội ngũ này còn yếu về trình độ pháp luật. Đồng thời, dù kết quả của hoạt động PBGDPL cần thời gian dài mới có thể đánh giá được nhưng Vụ PBGDPL cũng nên xây dựng một bộ tiêu chuẩn để phục vụ cho hoạt động đánh giá đạt chất lượng. Đối với nghiệp vụ PBGDPL, Vụ phải xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng để họ dễ tiếp thu, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thực tế.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng, “Công tác PBGDPL có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, là “cầu nối” đưa pháp luật vào cuộc sống. Vì thế, năm 2009, Vụ cần chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ưu tiên là dự án Luật PBGDPL. Đồng thời đưa ra khảo sát, nghiên cứu chọn một số địa phương làm điểm nâng cao chất lượng PBGDPL, nhất là ở vùng sâu vùng xa, với việc đa dạng hoá hình thức PBGDPL, ứng dụng công nghệ thông tin… để tạo thành những “điểm sáng” trong công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL cần được tiến hành đơn giản, dễ hiểu, đáp ứng yêu cầu của người dân. Về công tác xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) cũng cần được kiểm tra, khắc phục tính hình thức, đổi mới phương thức khai thác (ứng dụng công nghệ thông tin) để TSPL phát huy hiệu quả. Năm 2009, đội ngũ báo cáo viên cũng cần được rà soát, bổ sung, phát triển về trình độ, kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL”.

Trước những thách thức trong công tác năm 2009, Vụ PBGDPL xác định cần tăng cường tính chủ động trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan… Nhờ đó, Vụ phấn đấu để kiện toàn tổ chức, cán bộ, triển khai tốt việc thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2008 – 2012, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL (xây dựng dự án Luật PBGDPL, Luật hoà giải, chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và UBTW MTTQ Việt Nam trong quản lý tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở,…), giai đoạn 2 của Chương trình 212, triển khai tuyên truyền các Luật THADS, Quốc tịch, Ban hành VBQPPL./.

Huy Anh