Toạ đàm về Tổ chức và hoạt động của các Tổ chức hành nghề công chứng

02/01/2009
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ngày 26/12/2008 tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp đã tổ chức toạ đàm về Tổ chức và hoạt động của các Tổ chức hành nghề công chứng. Toạ đàm do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì.

Thành phần dự gồm có:

          - Một số Phòng công chứng;

          - Một số Văn phòng công chứng;

          - Một số Sở Tư pháp;

          - Một số Bộ, ngành;

          - Một số đơn vị của Bộ Tư pháp. 

Nội dung toạ đàm về tình hình triển khai thực hiện Luật công chứng; về tổ chức và hoạt động của các Phòng công chứng, tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng từ khi Luật công chứng có hiệu lực đến nay. Nêu khó khăn, vướng mắc của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng trong việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ và các biện pháp giải quyết. Việc xây dựng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng với nhu cầu công chứng ngày càng cao của nhân dân. 

Toạ đàm có báo cáo về tổ chức hành nghề công chứng tính đến nay cả nước có 129 Phòng công chứng và 42 Văn phòng công chứng. Các Văn phòng công chứng được thành lập tại một số địa phương như sau: 

-  Thành phố Hà Nội:               28 Văn phòng công chứng;

- Thành phố Hồ Chí Minh:         8 Văn phòng công chứng;

- Thành phố Cần Thơ:                 1 Văn phòng công chứng;

- Thành phố Đà Nẵng :                1 Văn phòng công chứng;

- Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:             1 Văn phòng công chứng;

- Tỉnh Bình Dương:                     1 Văn phòng công chứng;

- Tỉnh Vĩnh Long:                        1 Văn phòng công chứng;

- Tỉnh Thanh Hoá:                        1 Văn phòng công chứng. 

Trong số các Văn phòng công chứng được thành lập có 3/42 Văn phòng được thành lập theo loại hình 2 công chứng viên trở lên, số còn lại theo loại hình Văn phòng công chứng một công chứng viên. 

Việc tách bạch công chứng, chứng thực đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng. Công chứng viên tập trung thực hiện tốt các việc công chứng hợp đồng, giao dịch. Thủ tục công chứng đúng pháp luật, bảo đảm đúng thời hạn quy định tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. 

Toạ đàm cũng đã nêu lên một số vấn đề còn bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật công chứng và các văn bản hướng dẫn như: Việc xác định phạm vi công chứng, chứng thực còn vướng mắc bởi Luật đất đai, Luật nhà ở. Văn bản pháp luật còn có quy định chồng chéo gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng và người có yêu cầu công chứng.  

Tại toạ đàm một số ý kiến cho rằng: địa phương chưa tạo điều kiện  quyết định kịp thời cho các Văn phòng công chứng đang hoạt động theo loại hình Văn phòng công chứng một công chứng viên được chuyển đổi sang loại hình Văn phòng công chứng từ hai công chứng viên trở lên để đáp ứng với yêu cầu công chứng của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng chưa có chính sách quy định miễn giảm thuế cho các Văn phòng công chứng mới thành lập còn nhiều khó khăn. Các tham luận và ý kiến của đại biểu kiến nghị cần sớm triển khai thành lập Hiệp hội công chứng để có điều kiện trao đổi những vướng mắc và giúp đỡ nhau trong chuyên môn, nghiệp vụ. Cần có quy hoạch mạng lưới các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng để trao đổi kinh nghiệm trong công tác. Thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng và công tác quản lý hoạt động công chứng.  

Kết thúc Toạ đàm thành công tốt đẹp, giải toả được một số vấn đề bất cập trong thời gian qua, đề ra các biện pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để hoạt động công chứng ngày càng phát triển đáp ứng với yêu cầu của cá nhân, tổ chức trong giai đoạn hiện nay.

Phan Thuỷ