Tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng miền núi - tài khóa 2006”

23/12/2008
Ngày 19 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án “Tăng cường năng lực đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng miền núi - tài khoá 2006” đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án. Tham dự Hội nghị có đại diện của các Bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và sự tham gia của đại diện Lãnh đạo 28 Phòng Hộ tịch của 28 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố; tỉnh Lạng Sơn và Lai Châu là 02 tỉnh thực hiện Dự án có đại diện UBND tỉnh, Lãnh đạo UBND 02 huyện, Trưởng phòng Tư pháp 02 huyện và đại diện Lãnh đạo UBND, cán bộ Tư pháp hộ tịch của các xã thực hiện Dự án,
 

Dự án “Tăng cường năng lực đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng miền núi - tài khoá 2006” là hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp và tổ chức Plan tại Việt nam. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1988/TTg-QHQT ngày 04 tháng 12 năm 2006. Chương trình Dự án được thực hiện nhằm xây dựng một mô hình triển khai công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, của cộng đồng và của chính trẻ em về tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, nâng cao tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh tại địa bàn miền núi, đào tạo lực lượng báo cáo viên cho địa phương cũng như nâng cao năng lực thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em của cán bộ cấp xã/phường. Dự án bao gồm các hoạt động như: đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký khai sinh, truyền thông nâng cao nhận thức, tiến hành đăng ký khai sinh lưu động, chỉnh sửa sai sót giữa Giấy khai sinh với hồ sơ, giấy tờ cá nhân; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác đăng ký khai sinh.

Kinh phí dự án (400.000USD) do tổ chức Plan tại Việt Nam tài trợ từ nguồn của Bộ Ngoại giao Phần Lan thông qua tổ chức Plan Phần Lan, Bộ Tư pháp Việt Nam là đối tác chính về phía Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động của dự án. Dự án được triển khai trong 2 năm 2007 và 2008) tại:

-  Tỉnh Lạng Sơn:  huyện Cao Lộc (xã Thuỵ Hùng và xã Hải yến), huyện Chi Lăng (xã Y tịch và xã Nhân lý)[1].

-  Tỉnh Lai Châu: huyện Tam Đường (xã Nùng Nàng và xã Nà Tăm), huyện Phong Thổ (xã Mường So và xã Hoang Thèn).

          Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, ông Mark Pierce - Giám đốc quốc gia Plan tại Việt Nam đã đánh giá cao kết quả mà Dự án đã đạt được trong 02 năm qua, đồng thời nhấn mạnh về việc tổng kết Dự án không có nghĩa là chấm dứt những hoạt động của Dự án, mà cần tiếp tục có sự phối hợp của các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn các hoạt động mà Dự án đã triển khai, nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em. Plan Việt Nam sẽ trao đổi với Bộ Tư pháp để tiếp tục có sự hợp tác trong thời gian tới.

Đại diện Ban Quản lý Dự án, ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng Ban Quản lý Dự án cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo 02 địa phương  Lạng Sơn và Lai Châu về việc duy trì những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai Dự án, những kinh nghiệm thu được từ Dự án sẽ được phổ biến cho các địa phương trong cả nước, đặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.         

* Một số kết quả hoạt động của Dự án:

1.  Vai trò của các cấp lãnh đạo.

Sự quan tâm thực sự của Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là Uỷ ban nhân dân cấp xã là điều kiện hết sức quan trọng trong việc phát triển công tác hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng. Qua 02 năm triển khai Dự án, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã đã thực sự vào cuộc và chỉ đạo điều hành trực tiếp các hoạt động của Dự án tại địa phương. 

- Trước khi thực hiện Dự án:  Lãnh đạo UBND các xã chưa thực sự quan tâm đến công tác tư pháp hộ tịch nên các việc hộ tịch hầu như khoán trắng cho cán bộ Tư pháp hộ tịch. Thậm chí, có nơi lãnh đạo xã tự ý ký và cấp giấy tờ hộ tịch mà không cần qua cán bộ Tư pháp hộ tịch, các bản sao do người dân tự viết mang đến Lãnh đạo xã ký luôn mà không yêu cầu cán bộ Tư pháp hộ tịch kiểm tra sổ lưu. Công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em thường được xem nhẹ và Lãnh đạo xã cho rằng đây là việc đơn giản, nên không cần phải quan tâm, đầu tư.

+  Kết quả sau khi thực hiện dự án:  Trong thời gian triển khai Dự án, vì chính Lãnh đạo UBND xã phải vào cuộc nên đã quan tâm sát sao đến công tác đăng ký khai sinh, tạo mọi điều kiện cho cán bộ Tư pháp hộ tịch yên tâm làm nhiệm vụ của mình. Đa số các xã Dự án đều phân công 01 Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các hoạt động của Dự án, Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cũng đã dành thời gian tham gia các buổi truyền thông, toạ đàm.  Nhận thức của các lãnh đạo đối với công tác đăng ký khai sinh đã được cải thiện, đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của công tác đăng ký khai sinh. Việc làm này cũng giúp cho Lãnh đạo xã có điều kiện gần dân, tiếp xúc với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, để từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn.

2. Hoạt động truyền thông về đăng ký khai sinh.

Cần xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền cấp xã. Hoạt động truyền thông đã tác động trực tiếp đến đối tượng Lãnh đạo UBND xã, cán bộ Tư pháp hộ tịch, cán bộ các ban ngành, đoàn thể, trẻ em và cha mẹ trẻ em về sự cần thiết của việc đăng ký khai sinh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho cha mẹ, thân nhân gia đình và người dân trong cộng đồng cũng như cán bộ địa phương trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Qua hoạt động toạ đàm tại các thôn bản, người dân đã được phổ biến những thông tin pháp luật liên quan đến đăng ký khai sinh như: quyền đăng ký khai sinh, các giấy tờ cần chuẩn phải có khi đăng ký khai sinh, cách kiểm tra tính hợp lệ Giấy khai sinh của trẻ được cấp, cách điền tờ khai đăng ký lại việc sinh. Hoạt động tuyên truyền về đăng ký khai sinh trong quá trình triển khai Dự án đã thu được kết quả đáng ghi nhận:

- Trước khi thực hiện dự án:  Do không nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh cho trẻ em nên ở hầu hết các xã số trẻ em sinh ra mà không được đăng ký khai sinh vẫn còn tồn tại; tỷ lệ đăng ký khai sinh quá hạn vẫn chiếm đa số. Thái độ thờ ơ với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em tồn tại rất nhiều trong suy nghĩ của những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, họ cho rằng cả đời chẳng đi đâu khỏi làng nên không cần giấy khai sinh, đến khi có việc cần đến Giấy khai sinh mới làm. Đôi khi họ cho rằng thủ tục phiền hà nên ngại không muốn đăng ký (dù thực tế cho thấy thủ tục đăng ký khai sinh đơn giản và dễ thực hiện), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không được tuyên truyền, nên không biết. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em nhiều khi không phải do cha mẹ hoặc thành viên gia đình  thực hiện mà do giáo viên, cán bộ Tư pháp hộ tịch, cán bộ y tế, cán bộ dân số gia đình trẻ em thực hiện khi có nhu cầu cần đưa trẻ đến lớp hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế…. Đa số cán bộ Tư pháp hộ tịch còn thụ động chờ người dân đến trụ sở mà không chủ động đến tận nhà dân để đăng ký khai sinh cho trẻ và cũng không nắm được chính xác số lượng trẻ dưới 16 tuổi tại xã, cũng không biết trường hợp nào đã được đăng ký khai sinh, trường hợp nào chưa được đăng ký.

- Kết quả sau khi thực hiện dự án:

Đối với cán bộ Tư pháp hộ tịch: Thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đăng ký đầy đủ, chính xác, kịp thời những sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn; trách nhiệm đến tận nhà dân để thực hiện đăng ký khai sinh; trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khác để nắm số trẻ em sinh trên địa bàn, qua đó có kế hoạch vận động gia đình đi đăng ký khai sinh cho trẻ.

+ Đối với cộng đồng: Nhận thức của cộng đồng về việc đăng ký khai sinh cho trẻ đã được cải thiện rõ rệt. Sự quan tâm của người dân về đăng ký khai sinh cho trẻ em như đã được nâng cao, họ đã có những hiểu biết cụ thể hơn về quyền đăng ký khai sinh, thủ tục đăng ký khai sinh, nghĩa vụ của người đi đăng ký khai sinh. Người dân đã tự giác hơn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, tình trạng đăng ký quá hạn đã giảm hẳn. Quy trình, thủ tục đăng ký hộ tịch được niêm yết công khai tại địa bàn các xã, giúp người dân tránh được việc phải đi lại nhiều lần mà không được giải quyết do thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ, xoá bỏ suy nghĩ của người dân về việc không muốn đăng ký khai sinh vì nghĩ lệ phí đăng ký khai sinh quá cao. Truyền thông cũng đã giúp người dân nhận thức được việc con cái họ sẽ được hưởng những lợi ích mà đăng ký khai sinh đem lại (được cấp thẻ bảo hiểm y tế, việc đăng ký khai sinh làm trước khi lập các giấy tờ cá nhân khác (như học bạ, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu..., thì sẽ bảo đảm thông tin chính xác và thống nhất).

-  Đối với trẻ em: Đây là đối tượng mà Dự án hướng đến với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các em đều được đăng ký khai sinh. Tuy còn nhỏ nhưng các em đã tham gia một cách tích cực trong hoạt động dự án nhất là các hoạt động truyền thông và toạ đàm. Các em không chỉ tự trang bị cho mình những nhận thức cơ bản về quyền đăng ký khai sinh mà còn truyền đạt những thông tin ấy cho gia đình, người thân và bạn bè. Qua các hoạt động Dự án, các em đã biết được rằng: đăng ký khai sinh là quyền lợi của các em, việc đăng ký khai sinh là việc phải làm để khẳng định tên tuổi của mình.

3.  Hoạt động tập huấn

Trước yêu cầu mọi sự kiện hộ tịch phải được đăng ký kịp thời, chính xác, đầy đủ theo quy định của pháp luật, thì đòi hỏi mỗi cán bộ Tư pháp hộ tịch phải tinh thông về nghiệp vụ. Do vậy, các cán bộ Tư pháp hộ tịch phải thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ, nhất là vào thời điểm có những văn bản mới liên quan. Đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch của 2 tỉnh sau những đợt tập huấn chuyên sâu của Dự án đã có bước tiến bộ vượt bậc:

-  Trước Dự án:  Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ hộ tịch, đặc biệt là cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã còn nhiều bất cập, nhiều cán bộ Tư pháp hộ tịch còn lúng túng khi xử lý vụ việc cụ thể, việc thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh nói riêng không theo đúng quy định của pháp luật, có nơi còn đặt ra nhiều loại giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân. Việc ghi chép sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch còn nhiều sai sót, việc sửa chữa sai sót trong sổ hộ tịch cũng không đúng theo quy định của pháp luật (tẩy xoá, chữa đè lên chữ cũ, sửa chữa nhưng không đóng dấu...). Hiện tượng cấp giấy tờ hộ tịch không vào sổ, cấp bản sao từ sổ hộ tịch không căn cứ vào sổ gốc vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch không được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, những quy định mới và những hướng dẫn mới không được cập nhật kịp thời.

- Sau Dự án: Đào tạo được một đội ngũ báo cáo viên với đầy đủ kinh nghiệp truyền đạt kiến thức cho học viên. Qua tham gia các lớp tập huấn, trình độ của cán bộ Tư pháp hộ tịch được nâng cao rõ rệt. Cán bộ Tư pháp hộ tịch có thể tự mình giải quyết được vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, ít sai sót như trước đây. Công tác ghi chép sổ sách, biểu mẫu hộ tịch, sửa chữa sai sót trong sổ hộ tịch, lưu hồ sơ hộ tịch cũng được thực hiện bài bản và chuyên nghiệp hơn. Cán bộ Tư pháp hộ tịch chủ động hơn trong việc đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch. 

4.  Sự tham gia, phối hợp của các ban, ngành.

Các mảng công tác của cấp cơ sở muốn triển khai nhịp nhàng, hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong địa phương. Dự án triển khai ở 02 tỉnh đã xây dựng được mô hình phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành:

- Trước khi thực hiện dự án: Hầu hết các địa phương đều ở trong tình trạng "mạnh ai lấy làm" mà không có sự phối kết hợp (cơ quan Tư pháp đăng ký khai sinh, cơ quan Công an nhập khẩu và cấp Chứng minh nhân dân, cơ quan Giáo dục lập hồ sơ học bạ, cấp văn bằng, chứng chỉ, cơ quan y tế cấp thẻ bảo hiểm y tế; nhưng không có sự phối hợp để kiểm tra thông tin). Thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí được cấp cho trẻ dưới 6 tuổi, nhưng có nơi cơ quan y tế không yêu cầu cha mẹ phải xuất trình Giấy khai sinh của trẻ để kiểm tra mà "dự đoán" số tuổi để cấp thẻ. Sự chênh lệch số liệu báo cáo giữa các ngành về cùng một vấn đề trong cùng một địa phương là khá phổ biến. Tuy nhiên, Lãnh đạo UBND xã cũng không có chỉ đạo nào về sự phối hợp, do vậy tình trạng này tồn tại nhiều năm cho đến thời điểm triển khai Dự án.

- Sau khi thực hiện dự án: Sau 2 năm triển khai Dự án đã thu hút sự tham gia của các ban ngành trong địa phương (Công an, Y Tế, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục) ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Các ngành chỉ cấp các giấy tờ cá nhân khác khi trẻ đã có Giấy khai sinh và thông tin ghi trong các giấy tờ được ghi theo đúng thông tin trong Giấy khai sinh. Sự tham gia tích cực của các ban, ngành ở 2 địa phương đã hỗ trợ đắc lực cho thành công của Dự án. Sư phối hợp giữa các ban, ngành đã tạo điều kiện cho cán bộ Tư pháp hộ tịch nắm được chính xác số dân trong xã, số trẻ em sinh ra tại địa bàn để từ đó có biện pháp thúc đẩy việc đăng ký khai sinh. Cùng với việc hỗ trợ cho công tác đăng ký khai sinh, sự phối hợp giữa Tư pháp với Công an còn phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý dân cư trên địa bàn.

5.  Tiến hành đăng ký khai sinh lưu động

Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP) đã quy định rõ trách nhiệm của cán bộ Tư pháp hộ tịch: đối với những khu vực người dân còn bị chi phối bởi phong tục, tập quán hoặc điều kiện đi lại khó khăn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để đăng ký những sự kiện hộ tịch mới phát sinh. Tuy nhiên, do phải gánh vác quá nhiều mảng công việc khác nhau, mặt khác ý thức về trách nhiệm của mình chưa cao, nên hầu hết ở các xã, cán bộ Tư pháp hộ tịch không thực hiện quy định này. 

Một trong các kế hoạch triển khai Dự án là việc tổ chức đăng ký khai sinh lưu động. Sau 2 năm triển khai Dự án, với hình thức tổ chức các đoàn đăng ký khai sinh lưu động đã giải quyết được 100% số trẻ em chưa được khai sinh tại địa bàn các xã Dự án, cụ thể là:

+  Lạng Sơn:  số rà soát:  1.174 trường hợp, số phát sinh: 1.795 trường hợp. Tổng cộng đã đăng ký được 2.969 trường hợp.

+ Lai Châu:  số rà soát:  2.638 trường hợp, số phát sinh: 1.161 trường hợp. Tổng cộng đã đăng ký được 3.799 trường hợp.

6.  Cung cấp biểu mẫu Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh

          Do hầu hết các xã trước đây không thực hiện việc đăng ký kép (chỉ đăng ký vào 01 quyển), nên Dự án đã cấp kinh phí để các Tiểu ban quản lý Dự án mua Sổ đăng ký khai sinh (Lạng Sơn 754 cuốn và Lai Châu 1.150 cuốn) cấp cho các xã trong huyện Dự án để thực hiện việc sao lưu toàn bộ sổ đăng ký khai sinh (72 xã/thị trấn trên địa bàn 04 huyện).

Cũng từ thực trạng khó khăn về ngân sách mua biểu mẫu Giấy khai sinh của địa bàn miền núi, Dự án đã hỗ trợ các Tiểu ban quản lý Dự án mua  Giấy khai sinh bản chính và bản sao để cấp cho người dân khi đăng ký khai sinh (Lạng Sơn 167.500 mẫu và Lai Châu 55.000 mẫu).

Số Sổ đăng ký khai sinh và Giấy đăng ký khai sinh này được cấp cho toàn bộ 324 xã/phường của 02 tỉnh Lạng Sơn và Lai Châu, nhằm phục vụ cho công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em.

7.  Sao lưu sổ kép.

Mặc dù ngay từ Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ đã quy định tại UBND cấp xã, mỗi sự kiện hộ tịch (trong đó có đăng ký khai sinh) phải được đăng ký vào 02 quyển sổ như nhau (đăng ký kép), nhưng hầu hết các xã đều không thực hiện theo quy định này mà chỉ đăng ký vào 01 quyển. Trên cơ sở số kinh phí được cấp cho việc sao lưu sổ kép, Tiểu ban Quản lý Dự án 02 tỉnh đã triển khai cho các xã thực hiện việc sao lưu sổ kép.

- Kết quả:

Tại Lạng Sơn: đã sao lưu sổ kép cho 17.587 trường hợp; trong đó huyện Cao Lộc: 8.963 trường hợp. ( 19/23 xã, thị trấn trong huyện), huyện Chi Lăng: 8.624 trường hợp ( 21/21 xã, thị trấn trong huyện).

Tại Lai Châu: đã sao lưu sổ kép cho 6.544 trường hợp; trong đó huyện Phong Thổ: 5.190 trường hợp (12/18 xã, thị trấn trong huyện), huyện Tam Đường: 1.354 trường hợp (2/14 xã, thị trấn trong huyện).

 Mặc dù được Dự án triển khai trong thời gian ngắn (thực tế là 1 năm rưỡi), nhưng đã thu được những kết quả đáng ghi nhận như đã nêu ở trên. Trong quá trình triển khai Dự án, Ban Quản lý Dự án và 02 Tiểu ban quản lý Dự án đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em. Để hướng tới mục tiêu 100% trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh, cũng như bảo đảm các thông tin về khai sinh của trẻ phải chính xác, đặc biệt mục tiêu này đặt ra đối với các tỉnh miền núi, thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền trong việc đầu tư (cả về nhân lực và vật lực), cùng với sự tham gia tích cực của cán bộ Tư pháp hộ tịch, cũng như sự đồng tình hưởng ứng của cha, mẹ, của cộng đồng trong thực hiện đăng ký khai sinh. Kinh nghiệm từ hoạt động truyền thông, từ đăng ký khai sinh lưu động cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc xây dựng mô hình phối kết hợp giữa cơ quan tư pháp với các ban, ngành hữu quan ở các cấp sẽ là những bài học lớn không chỉ để 02 địa phương Lạng Sơn và Lai Châu vận dụng và triển khai ở những xã chưa được thụ hưởng Dự án mà những tỉnh miền núi khác cũng có thể tham khảo thực hiện.                                               

                                                                   Lương Thị Lanh 


[1] Từ tháng 7/2008, được sự nhất trí của Ban quản lý Dự án và phê duyệt của Tổ chức PLan tại Việt Nam, tại Lạng Sơn đã mở rộng thêm 4 xã Dự án (xã Gia Cát và xã Tân Liên thuộc huyện Cao Lộc, xã Quan Sơn và xã Bắc Thủy thuộc huyện Chi lăng).