Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp làm việc với Cục quản lý cạnh tranh về việc chuẩn bị cho sửa đổi Luật Cạnh tranh

18/11/2008
Trên cơ sở Công văn đề nghị số 372/QLCT-GSQL của Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, ngày 14/11/2008, tại Trụ sở Bộ Tư pháp, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp làm việc với đại diện Cục quản lý cạnh tranh về việc chuẩn bị tiến hành khảo sát về "mức độ nhận thức của cộng đồng đối với Luật cạnh tranh" phục vụ cho công tác chuẩn bị sửa đổi Luật cạnh tranh vào năm 2010.

Trên cơ sở đó, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương (Cục quản lý cạnh tranh) trao đổi với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Câu lạc bộ) một số vấn đề xoay quanh mức độ nhận thức của doanh nghiệp đối với Luật cạnh tranh và vai trò cũng như tác động của Luật cạnh tranh đến doanh nghiệp.

Từ hoạt động thực tiễn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như tư vấn pháp luật, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thành viên của Câu lạc bộ về pháp luật nói chung, pháp luật cạnh tranh nói riêng về phía Câu lạc bộ nhận thấy có một số vấn đề như:

Thứ nhất, mặc dù doanh nghiệp đã nhận thức về sự ra đời của Luật cạnh tranh, song, doanh nghiệp chưa ý thức được đó là công cụ mà họ có thể sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong hoạt động kinh doanh, hoặc còn lúng túng trong việc hiểu và áp dụng những quy định của Luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh cũng chưa được doanh nghiệp phân biệt với một số cơ quan tài phán khác về vai trò và chức năng nhiệm vụ cũng như cơ chế giải quyết khi có hành vi vi phạm.

Thứ hai, tâm lý của người dân Việt Nam nói chung, của doanh nghiệp nói riêng còn mang nặng tính "cam chịu" và nhận thức về giá trị vô hình là chưa rõ ràng. Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế trong việc vận dụng pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích cho chính mình, chưa tạo lập được thói quen cần thiết là luôn đồng hành với những chuyên gia pháp lý gác cổng cho mình. Khi phát sinh tranh chấp doanh nghiệp có thể vì lý do này hay lý do khác mà ngần ngại trong việc nhờ sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan tài phán.

Thứ ba, việc đưa Luật cạnh tranh đến với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chế định luật chưa thật sự đi vào đời sống, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí các hành vi vi phạm luật cạnh tranh đang diễn ra hàng ngày như: cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh hay hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường... nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ để tìm đến cơ quan có thẩm là cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh là những cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi cho mình và vì vậy cơ quan quản lý cạnh tranh cũng không biết để can thiệp kịp thời nhằm bảo vệ doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi.

Thứ tư, các quy định trong Luật cạnh tranh này còn có sự trùng lặp với các hành vi được điều chỉnh ở các luật khác khiến doanh nghiệp có thể hiểu nhầm hoặc không phân biệt được luật áp dụng và lựa chọn cho mình phương án bảo vệ hợp lý ví dụ như các hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng được điều chỉnh trong Luật Sở hữu trí tuệ,... Bên cạnh đó hệ thống các văn bản hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu cơ chế để đảm bảo thực thi nên việc áp dụng luật còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, Luật cạnh tranh phải mang tính phổ quát bởi các hành vi được điều chỉnh trong đó liên quan đến nhiều chế định luật chuyên ngành khác như pháp luật doanh nghiệp, pháp luật thương mại, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về Sở hữu trí tuệ... nhưng Việt Nam là nước đang phát triển, doanh nghiệp nhà nước còn đóng vai trò điều tiết đối với nền kinh tế đất nước, vì đặc thù đó nên việc áp dụng Luật cạnh tranh còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.  

          Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ và tôn chỉ mục đích của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu:là địa chỉ tin cậy kịp thời thường xuyên giới thiệu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; đồng thời là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật kinh tế, là diễn đàn để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, đưa ra kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật cạnh tranh của Cục quản lý cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh đề xuất trong thời gian tới phối hợp với Câu lạc bộ tiến hành các cuộc khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhằm phục vụ cho công tác sửa đổi Luật cạnh tranh có hiệu quả và Luật cạnh tranh thực sự trở thành công cụ hữu hiệu bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức kinh doanh và đáp ứng nền kinh tế hội nhập.

Huyền Thương - Câu lạc bộ PCDN