Ngày 17/11/2008, Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Chủ tịch đã tiến hành thẩm định đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, nếu theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 thì Nghị định sẽ chỉ quy định chi tiết 2 nội dung được Quốc hội giao là dịch VBQPPL và đăng Công báo.
Tuy nhiên, quán triệt tinh thần cải cách hành chính, dự thảo Nghị định được xây dựng bao gồm cả hướng dẫn một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý điều hành của Chính phủ như đánh giá tác động văn bản, kiểm tra VBQPPL, lấy ý kiến công chúng trong quá trình soạn thảo văn bản… Đối với những vấn đề cần xin ý kiến, cũng theo bà Thoa, Ban Soạn thảo đang vướng mắc 2 điểm là việc dịch VBQPPL vẫn do Thông tấn xã Việt Nam hay giao cho Văn phòng Chính phủ đảm nhiệm và có quy định “cứng” Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là một địa chỉ bắt buộc cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi lấy ý kiến. Các thành viên Hội đồng đều nhất trí, dự thảo Nghị định đã đảm bảo các nội dung cần thẩm định về tính cần thiết, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, tính phù hợp… Riêng Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung Bảng tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành vào hồ sơ và tiếp thu các góp ý cụ thể của các thành viên Hội đồng xung quanh các điều khoản của dự thảo Nghị định. Ngoài ra, có thành viên băn khoăn về tính khả thi của các điều khoản liên quan tới đánh giá tác động văn bản, có thành viên lại cho rằng dự thảo Nghị định chưa đề cập đến các loại văn bản như thông tư liên tịch, văn bản của VKSND, TAND. Giải trình vấn đề này, bà Thoa lưu ý, không thể mở rộng phạm vi điều chỉnh vì mở rộng sẽ là “lấn sân”. Cụ thể, việc soạn thảo văn bản của VKSND, TAND do Viện trưởng VKS, Chánh án TA tổ chức, còn đối với thông tư liên tịch đã quy định tại Điều 73 và 74 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.
Hoàng Thư