Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên kiểm tra công tác tư pháp tại Lạng Sơn: Phải phối hợp nhiều nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác

17/11/2008
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên kiểm tra công tác tư pháp tại Lạng Sơn: Phải phối hợp nhiều nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác
Tiếp tục công tác kiểm tra công tác tư pháp tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 14/11/2008, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã có buổi làm việc tại Lạng Sơn. Cùng làm việc có Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất, Phó Cục trưởng Cục Thi Hành án Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Lương Văn Kích, Trưởng Thi hành án tỉnh Lạng Sơn Đỗ Xuân Hợi…

Báo cáo của Sở Tư pháp Lạng Sơn cho thấy, tất cả các mặt công tác của đơn vị đã tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong công tác xây dựng, thẩm định, rà soát các văn bản QPPL, đã giúp HĐND, UBND tỉnh soạn thảo, ban hành một số quy định về mức chi kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL, giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 31/31 văn bản khi ban hành và rà soát các văn bản đã được ban hành trước đây, kiểm tra 100% số văn bản QPPL do HĐND và UBND các huyện gửi đến thẩm tra.

          Lạng Sơn cũng là một tỉnh có kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật rất “bài bản” và “dài hơi”. Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến năm 2012; Tổng kết 5 năm thực hiện PBGDPL trên địa bàn tỉnh và có Quyết định kiện toàn Hội đồng Phối hợp công tác tuyên truyền PBGDPL; Kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật tỉnh; Ban hành tiêu chí thi đua khen thưởng trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh; Thực hiện đề án “Phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong PBGDPL cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn”“Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân bảo vệ an ninh trật tự”…Đặc biệt, tuy là một tỉnh miền núi nhưng Sở Tư pháp tỉnh cũng tỏ ra khá “hiện đại” khi đây là một trong số ít đơn vị có Trang thông tin điện tử, cập nhật hàng trăm VBQPPL cùng tin, bài có nội dung tuyên truyền pháp luật…Duy trì thường xuyên hoạt động của hai “đường dây nóng” (về hành chính - bổ trợ tư pháp và thi hành án dân sự) để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh của nhân dân. Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác, Sở Tư pháp Lạng Sơn còn tiến hành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 vào hoạt động của Sở…

           Bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình thực tế, Sở đã biên tập và xuất bản sách giới thiệu nội dung 83 vụ án buôn bán phụ nữ đã được xét xử trong tỉnh, cấp phát cho các xã. Biên dịch sách, thu âm CD bằng tiếng Dao, Tày, Nùng… những quy định về bảo vệ rừng, về hôn nhân gia đình…cấp phát cho các thôn, bản có người dân tộc sinh sống.

Về công tác thi hành án, năm 2008, ngoài việc đạt được các chỉ tiêu chung do Bộ Tư pháp đề ra, Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với chính quyền, các cơ quan hữu quan tập trung phối hợp giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự. Sự phối hợp này đã rất thuận lợi khi Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về “tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh”; Liên ngành VKSND-  Công an- TAND- Thi hành án dân sự tỉnh còn ra Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư về tư pháp…

          Đánh giá cao sự phối hợp này, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đề nghị Thi hành án dân sự tỉnh nói riêng, Sở Tư pháp tỉnh nói chung cần tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của địa phương trong công tác tư pháp, nhất là về cơ chế, về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất…Thực tế hiệu quả từ việc thực hiện dự án PLAN (Tăng cường năng lực đăng lý khai sinh vùng miền núi) đã cho thấy rõ, công tác tư pháp cần tranh thủ và biết phối hợp giữa nhiều nguồn lực. Gợi ý về sự phối hợp này trong việc đào tạo cán bộ tư pháp xã, huyện miền núi, Thứ trưởng cho biết: Bộ có thể hỗ trợ về giáo viên, đề cương bài giảng, tài liệu bồi dưỡng, đào tạo…Phía địa phương lo tổ chức lớp, hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại, khen thưởng… cho học viên.

          Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận những đề xuất trong buổi làm việc này. Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh cần có đề xuất cụ thể về đất xây dựng trụ sở, kho tang - tài vật, biên chế, kinh phí… bằng văn bản để có cơ sở báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh.

          Sau khi làm việc với đại diện UBND tỉnh và Sở Tư pháp Lạng Sơn, để nắm tình hình cụ thể và “sát” thực tế hơn, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên cũng đã có buổi làm việc với phòng Tư pháp và thi hành án dân sự huyện Chi Lăng.

   Hữu Tuấn