Thực hiện việc kiểm tra công tác năm 2008, hôm qua (13/11/2008), đoàn công tác do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã kết thúc chuyến làm việc tại Cao Bằng. Ghi nhận những thành tích, hạn chế và kiến nghị của Sở Tư pháp Cao Bằng, Thứ trưởng nhấn mạnh: nội dung qua buổi làm việc tại đây sẽ được nắm bắt, “tìm kiếm” ra bài học và điển hình để nhân rộng ra toàn quốc
Báo cáo trực tiếp với Thứ trưởng, ông Vũ Đức Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng cho biết: Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm công tác theo kế hoạch của Bộ Tư pháp, năm 2008, Sở Tư pháp Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế và đẩy mạnh thực hiện một số chỉ tiêu về thi hành án dân sự. Chính vì vậy, các cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh đã thi hành xong hoàn toàn 1048/1524 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 83% về số việc và 65% về tiền.
Công tác xây dựng, thẩm định và kiểm tra văn bản, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cũng là một nhiệm vụ trong tâm của ngành tư pháp Cao Bằng. Ngoài việc thẩm định 100% số văn bản của HĐND và UBND gửi đến thẩm định, Sở Tư pháp còn tham mưu cho UBND soạn thảo, ban hành 2 văn bản có ý nghĩa động viên rất lớn, tạo “động lực” nâng cao chất lượng xây dựng văn bản và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là: Quy định về mức chi cho công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND trên địa bàn tỉnh; Quy định về mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…Từ đó, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp. Cơ quan tư pháp làm đầu mối phối hợp, tham mưu cho UBND các cấp tổ chức hơn 1000 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hàng chục nghìn lượt người nghe về các văn bản pháp luật như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm…
Với một địa bàn có 96 % dân số là người dân tộc, đang sinh sống tại các bản làng mà việc thực hiện các hương ước, quy ước còn khá “nặng”, Sở Tư pháp Cap Bằng đã chỉ đạo các phòng tư pháp huyện, thị hướng dẫn các thôn, xóm, bản xây dựng hương ước, quy ước; kiểm tra tính hợp pháp trong nội dung hương ước, quy ước trước khi trình ban hành. Đến nay, hầu hết các thôn, xóm, bản đã xây dựng được các hương ước, quy ước phù hợp. Song song với công tác này, ngành tư pháp Cao bằng đã triển khai tốt công tác hoà giải ở cơ sở, tính đến nay, đã hoà giải thành 480/609 vụ việc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế các vi phạm, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Tư pháp Cao Bằng cũng thẳng thắn thừa nhận việc kiện toàn tổ chức cán bộ tuy đã cố gắng nhưng vẫn còn chậm, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành nhìn chung chưa ngang tầm nhiệm vụ (nhất là ở cấp xã, huyện). Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng cho hay, ngay tại Sở Tư pháp, được tỉnh giao là 46 biên chế nhưng hiện thực tế mới có 30 biên chế, thi hành án 2 cấp còn thiếu 23 biên chế, cán bộ tư pháp huyện chỉ có 1-2 người/ huyện nên bị “trống” nhiều việc (như kiểm tra, rà soát văn bản…), cán bộ tư pháp xã vẫn còn hơn 16% chưa qua đào tạo. Chính vì vậy, ngoài việc đề nghị được tập huấn, đào tạo thường xuyên cho cán bộ tư pháp, Sở Tư pháp Cao Bằng đề nghị Nhà nước nên có chế độ đãi ngộ, ưu tiên làm sao để thu hút hoặc luân chuyển cán bộ miền xuôi lên công tác tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh miền núi, biên giới bởi nguồn đào tạo của địa phương còn hạn chế. Riêng UBND tỉnh, nên có chế độ khuyến khích phát triển đội ngũ luật sư (hiện tỉnh mới có 1 Văn phòng luật sư) như: trụ sở Đoàn luật sư, kinh phí đào tạo luật sư.
Cùng trăn trở về nhân sự, quyền Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng Nông Văn Huyền cũng thừa nhận việc tuyển dụng biên chế gặp khó khăn do thiếu nguồn đủ tiêu chuẩn, số lượng cử nhân Luật về Cao Bằng rất ít và công tác thi hành án chưa có sức hút nhân sự. Cá biệt, còn có hiện tượng cán bộ xin chuyển công tác hoặc xin thôi việc.
Ghi nhận những nội dung trên, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên rất mừng trước những kết quả của ngành tư pháp Cao Bằng đạt được trong điều kiện kinh tế xã hội và địa bàn còn nhiều khó khăn và biểu dương tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa lãnh đạo Sở Tư pháp với cơ quan thi hành án, giữa ngành tư pháp với UBND và các ban ngành khác trong tỉnh. Thứ trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, biên chế của ngành tư pháp Cao Bằng. Muốn tăng cả về số lượng và chất lượng cán bộ, Cao Bằng cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ, nhưng cũng phải quan tâm cả môi trường làm việc, ghi nhận kịp thời những thành tích của cán bộ để khuyến khích họ phấn đấu.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lý Hải Hầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá cao kết quả làm việc của đoàn công tác tại tỉnh, ghi nhận những ý kiến của ngành tư pháp và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chương trình, quyết định cụ thể về những đề xuất của ngành trong phạm vi của tỉnh.
Ngoài Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên còn làm việc với Phòng Tư pháp huyện Phục Hoà, Thi hành án dân sự huyện Phục Hoà - hai cơ quan được tái lập cùng huyện Phục Hoà năm 2002. Địa bàn huyện biên giới này cũng có nhiều khó khăn đặc thù, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phối hợp với các cơ quan, thu hút nhân sự cũng như công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác thi hành án dân sự.
Hữu Tuấn