Kết quả làm việc của Đoàn công tác tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”

12/11/2008
Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”, Bộ Tư pháp đã tổ chức một Đoàn công tác tại Hoa Kỳ trong thời gian từ ngày 15/10 đến ngày 22/10/2008, bao gồm 08 người đi khảo sát về cơ sở đào tạo nghề luật sư và thực hành nghề nghiệp tại Hoa Kỳ, ký kết Hợp đồng đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư với Viện Luật quốc tế của Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là ILI).

Đoàn công tác được thành lập theo Quyết định số 1911/QĐ-BTP ngày 08 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, bao gồm 08 thành viên do ông Lê Hồng Sơn, Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư Pháp, là Trưởng Đoàn. Các thành viên khác bao gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp và Văn phòng Chính phủ.

Việc tổ chức Đoàn công tác tại Hoa Kỳ nhằm thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như khảo sát về chi phí đào tạo, sinh hoạt phí của học viên để dự toán ngân sách cho phù hợp với thực tế ở Hoa Kỳ; việc theo dõi, quản lý học viên trong thời gian ở nước ngoài; ký kết văn bản thoả thuận với ILI về việc đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư; tiếp xúc, làm việc với các công ty luật mà ILI bố trí cho học viên thực hành nghề nghiệp; làm việc với Trường luật Berkeley và Công ty luật DLA Piper tại Bang California để tìm kiếm khả năng hợp trong việc đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư Việt Nam phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo chương trình làm việc, Đoàn công tác đã gặp và làm việc với một số cơ quan, tổ chức sau đây:

- Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ tại Washington DC;

- Công ty luật Paul Hastings do ILI bố trí tại Washington DC;

- Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC;

- Công ty luật DLA Piper tại Bang California;

- Trường luật Berkeley tại Bang California.

Chương trình công tác của Đoàn đã kết thúc tốt đẹp và đạt được một số kết quả như sau:

I. Hợp đồng đào tạo và thực hành nghề nghiệp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với ILI được ký kết

Được thành lập từ năm 1955 thuộc hệ thống Trường Đại học Georgetown tại Washington DC, Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ đã cung cấp sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đào tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp có tính chất thực tiễn liên quan đến các vấn đề về pháp luật, kinh tế, tài chính của các nước đang phát triển. Trường đã đào tạo được hơn 15.000 công chức, nhà quản lý và nhà chuyên môn của hơn 185 quốc gia trên thế giới.

Trường được đặt tại Thủ đô Washington DC, trung tâm lập pháp, hành pháp và tư pháp của chính quyền Liên Bang. Với đội ngũ giảng viên đông đảo được lựa chọn từ các luật sư hành nghề, các công ty, Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức quốc tế trên toàn nước Hoa Kỳ và ở nước ngoài, ILI đã cung cấp nhiều khoá đào tạo đạt chất lượng cao, nhiều hội thảo để chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Đồng thời với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực pháp luật quốc tế nói chung, thương mại quốc tế nói riêng, ILI cũng đã soạn thảo và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị liên quan đến pháp luật quốc tế và việc thực thi các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới WTO (Tập hợp các cuốn sách về “Hệ thống hoá án lệ của Hoa Kỳ trong thực tiễn hành nghề pháp luật quốc tế” từ năm 1989 đến năm 2007). Đặc biệt, ILI có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài với nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Hiện nay, ILI có 4 thành viên làm việc trong Hội đồng tư vấn cho WTO.

Việc lựa chọn ILI để gửi chuyên gia pháp luật và luật sư Việt Nam sang đào tạo và thực hành nghề nghiệp là hoàn toàn phù hợp.

Ngày 18/10/2008, ông Lê Hồng Sơn, Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, Trưởng Đoàn công tác, đại diện cho Bộ Tư pháp Việt Nam và Bà Kim Phan, Giám đốc điều hành ILI đã ký kết Hợp đồng đào tạo và thực hành nghề nghiệp cho chuyên gia pháp luật, luật sư Việt Nam.

Theo Hợp đồng thì ILI sẽ cung cấp dịch vụ bao gồm khoá học và thực hành nghề nghiệp cho học viên Việt Nam. Sau khi kết thúc khoá học và chương trình thực tập, học viên sẽ được ILI cấp Chứng chỉ hoàn thành khoá học. ILI sẽ thực hiện chương trình đào tạo và thực tập cho một đoàn từ 8 đến 11 học viên do Bộ Tư pháp lựa chọn mỗi lần. Học viên phải có kiến thức cơ bản về pháp luật và thông thạo các kỹ năng đọc, viết và trao đổi bằng tiếng Anh để tham gia khoá học và chương trình thực tập. Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn học viên để gửi sang ILI. Tổng thời gian đào tạo và thực hành nghề nghiệp là 6 tháng (3,5 tháng đào tạo và 2,5 tháng thực hành nghề nghiệp).

Học viên sẽ thực tập trong các lĩnh vực liên quan đến luật thương mại quốc tế, bao gồm mua bán hàng hoá quốc tế, đầu tư quốc tế, thương mại, sở hữu trí tuệ, luật hàng hải, các dự án đa quốc gia, các giao dịch chứng khoán và các lĩnh vực khác. Trong thời gian thực tập, học viên được một luật sư giám sát và được hướng dẫn về định hướng và giới thiệu về công ty mà họ thực tập. Học viên thực tập 4 ngày trong một tuần và không được trả thù lao.

Thời hạn của Hợp đồng là 3 năm kể từ ngày ký.

Trong chương trình làm việc với ILI, Đoàn công tác được bố trí đến thăm Công ty luật Paul Hastings, một trong những công ty luật lớn của Hoa Kỳ mà học viên Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện sẽ được gửi vào thực hành nghề nghiệp trong thời gian 2,5 tháng.

Với hơn 1.300 luật sư và 18 văn phòng tại các trung tâm tài chính của Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ, Paul Hastings có thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, Paul Hastings cung cấp các giải pháp đổi mới cho khoảng 500 công ty trên toàn cầu, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Paul Hastings hiện là một trong hai công ty luật của Hoa Kỳ được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ 2 có tên trong danh sách 25 công ty luật hàng đầu của Hoa Kỳ.

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Công ty là tài chính ngân hàng; phá sản và cơ cấu lại công ty; thị trường chứng khoán; hợp nhất, sáp nhập, chia tách công ty; thương lượng và giải quyết tranh chấp; sở hữu trí tuệ; tài chính dự án; quản lý đầu tư; thị trường bất động sản; lao động và việc thuê mướn lao động; các dịch vụ tư vấn về thuế.

Việc gửi học viên vào thực hành nghề nghiệp tại Công ty luật Paul Hastings sẽ tạo cơ hội cho học viên Việt Nam được tiếp cận và thực hành những kỹ năng hành nghề của các luật sư có uy tín và giàu kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng hành nghề trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế và các cam kết của WTO.

2. Thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Luật Berkeley và Công ty luật DLA Piper tại Bang California

Ngày 22/10/2008, được sự giới thiệu và sắp xếp của Công ty luật YKVN tại Việt Nam, Đoàn đã gặp và làm việc với Công ty luật DLA Piper, trụ sở tại Bang California. DLA Piper là một trong những công ty luật hàng đầu thế giới. Với gần 4.000 luật sư và 65 văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia, DLA Piper chủ yếu tư vấn về công nghệ. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của Công ty còn bao gồm các lĩnh vực khác như hợp đồng thương mại, sở hữu trí tuệ, tư vấn thuế, tài chính, luật công ty... DLA Piper hiện đang tư vấn cho tập đoàn IDG về đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam. Công ty dự định thành lập Chi nhánh tại Việt Nam trong năm 2009.

Đoàn công tác và đại diện Công ty luật DLA Piper đã trao đổi và đạt được thoả thuận ban đầu về việc nhận học viên Việt Nam vào thực hành nghề nghiệp. Theo đó, Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ lựa chọn những luật sư giỏi đang hành nghề tại các công ty luật hàng đầu của Việt Nam hoặc những chuyên gia pháp luật, giảng viên luật có uy tín và giàu kinh nghiệm, thông thạo tiếng Anh và trau dồi kiến thức pháp luật, đặc biệt là pháp luật thương mại quốc tế để gửi sang thực hành nghề nghiệp tại Công ty trong thời gian từ 1 đến 2 năm, mỗi lần gửi từ 1 đến 5 học viên. DLA Piper sẽ hỗ trợ tối đa cho học viên Việt Nam trong việc tiếp cận và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức pháp luật thương mại quốc tế. Công ty luật DLA Piper và Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi thông tin để đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trao đổi luật sư, chuyên gia pháp luật.

Cùng ngày 22/10/2008, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Trường luật Berkeley, một trong những trường Đại học luật danh tiếng nhất nước Hoa Kỳ và được Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ công nhận. Trường luật Berkeley liên kết với 13 trường khác thuộc hệ thống Trường Đại học Berkeley của Bang California với 105 chương trình đào tạo sau đại học, 37 chương trình đào tạo đại học. 36 trong số 37 chương trình đào tạo đại học có tên trong danh sách 10 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Hàng năm, Trường Berkeley nhận được khoảng 7.000 đơn xin theo học ngành luật (Juris Doctor).

Trường có các khoá đào tạo thẩm phán và luật sư (luật sư tư và luật sư làm việc cho Chính phủ) kéo dài trong 2 tuần. Bên cạnh đó, Trường cũng có chương trình đào tạo thạc sỹ luật ngắn hạn trong thời gian 20 tuần. Trong những năm qua, Trường luật Berkeley đã đào tạo nhiều luật sư, thẩm phán, giảng viên luật, công chức làm việc tại các Bộ của một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Malaysia... liên quan đến các vấn đề như: xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển bền vững, thương mại quốc tế, soạn thảo văn bản pháp luật...

Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng Đoàn công tác đã trình bày tóm tắt nội dung của Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” và nêu mục đích chuyến thăm Trường luật Berkeley của Đoàn. Đoàn công tác cũng đưa ra đề xuất hợp tác trong một số lĩnh vực sau đây:

- Xây dựng chương trình đào tạo nghề luật sư và thực hành nghề nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm cho chuyên gia pháp luật và luật sư Việt Nam;

- Đào tạo thạc sỹ luật để chuyên gia pháp luật, luật sư Việt Nam có cơ hội trở thành luật sư Hoa Kỳ (nộp đơn xin gia nhập Đoàn luật sư của một bang của Hoa Kỳ và tham dự kỳ thi (Bar exam) do Đoàn luật sư của bang tổ chức);

- Xây dựng chương trình đào tạo dài hạn và liên kết thành lập Trường đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam.

 Đại diện của Trường luật Berkeley bày tỏ nguyện vọng hợp tác lâu dài với Bộ Tư pháp Việt Nam trong các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên, để triển khai các đề xuất hợp tác của Bộ Tư pháp Việt Nam thì các Bên cần có thời gian trao đổi, nghiên cứu và thống nhất về kế hoạch thực hiện cụ thể.

3. Xây dựng cơ chế phối hợp theo dõi, quản lý học viên tại Hoa Kỳ

          Theo chương trình làm việc tại Washington DC, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với đại diện Đại sứ quán Việt Nam. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã thông báo về việc ký kết hợp đồng đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư với Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ trong khuôn khổ Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”. Hai bên cũng đã trao đổi về cơ chế phối hợp quản lý học viên tại Hoa Kỳ.

          Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam đang quản lý các lưu học sinh được gửi đi đào tạo theo Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” được phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Đại sứ quán thì việc quản lý lưu học sinh tại Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do nước Hoa Kỳ có diện tích rộng với 52 bang, việc đi lại giữa các bang mất nhiều thời gian và chi phí. Số lượng nhân viên của Đại sứ quán quá ít trong khi đó số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tương đối nhiều, các lưu học sinh lại nghiên cứu, học tập ở các bang khác nhau. Chỉ có một số lượng nhỏ lưu học sinh, trong đó phần lớn là cán bộ, công chức được gửi sang đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ tại Hoa Kỳ đến trình diện Đại sứ quán. Việc quản lý lưu học sinh được thực hiện chủ yếu thông qua thư điện tử (email) hoặc điện thoại và tập trung vào việc giải đáp các vướng mắc về thủ tục của lưu học sinh.

          Do đó, Đại sứ quán đề nghị Đoàn công tác nên xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Bang California với các cơ sở đào tạo nghề luật sư và công ty luật của Hoa Kỳ trong việc theo dõi, đánh giá và quản lý học viên. Đồng thời Bộ Tư pháp cần tham khảo kinh nghiệm của Ban Điều hành Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quản lý lưu học sinh tại nước ngoài.

                Bên cạnh đó, Đại sứ quán đưa ra đề xuất về việc đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề luật sư và công ty luật nước ngoài để thành lập các trung tâm đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam. Việc liên kết với nước ngoài thành lập trung tâm đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam (cùng góp vốn; xây dựng chương trình đào tạo; mời luật sư, giáo sư và các chuyên gia pháp luật nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm sang giảng dạy...) sẽ giảm chi phí đào tạo, thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi và đánh giá chất lượng học tập của học viên đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.