Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Ban cán sự Đảng và Đảng uỷ Bộ Tư pháp, trong năm 2008, Cục TGPL đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của ngành Tư pháp. Dưới đây là kết quả cụ thể:
1. Xây dựng các đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: trong năm 2008, Cục đã nghiên cứu, xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành: 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 03 Thông tư liên tịch; 02 Thông tư của Bộ trưởng; 04 Quyết định của Bộ trưởng. Hiện nay, Cục đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan, hoàn thiện dự thảo trình lãnh đạo Bộ chuẩn bị ký ban hành 09 quyết định của Bộ trưởng, 04 Đề án. Cục trưởng cũng đã ký ban hành 03 Quyết định và đang hoàn thiện 01 Quyết định chuẩn bị ban hành trong thời gian tới. Ngoài ra, Cục còn tham gia nghiên cứu, xây dựng 02 Dự thảo Nghị định của Chính phủ (đã ban hành); góp ý gần 30 dự thảo văn bản khác theo yêu cầu của Bộ và các đơn vị hữu quan khác. Có thể nói, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2008 của Cục đã có kết quả cao hơn kế hoạch ban đầu (vượt kế hoạch 03 văn bản). Các văn bản do Cục chủ trì soạn thảo, hoặc góp ý cho các đơn vị thuộc Bộ đều bảo đảm đúng tiến độ với chất lượng tốt. Công tác thẩm định, góp ý các văn bản pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan hữu quan chuyển đến đều được Cục nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng và được đánh giá cao.
2. Về công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ: Năm 2008, Cục đã ban hành (hoặc trình lãnh đạo Bộ) ký ban hành 87 Công văn chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL, ra văn bản xử lý 43 đơn yêu cầu TGPL; tổ chức nhiều đoàn công tác đi cơ sở kiểm tra 45 địa phương, trong đó có 04 đoàn kiểm tra liên ngành tại 14 tỉnh để trực tiếp kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của các Trung tâm. Qua kiểm tra, hầu hết các Trung tâm đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác TGPL, đã có 55/63 địa phương, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế của Trung tâm. Theo đó, nhiều Trung tâm đã thành lập các Phòng và Chi nhánh trực thuộc, thành lập 2 đến 3 phòng nghiệp vụ và phòng hành chính, có địa phương theo đề án đã duyệt được thành lập Chi nhánh ở tất cả các quận, huyện. Số lượng biên chế của Trung tâm cũng được dự kiến bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh. Số lượng các Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL đã tăng so với năm 2007 (124 Chi nhánh, 862 Tổ cộng tác viên và 928 Câu lạc bộ TGPL). Đội ngũ viên chức và cộng tác viên thực hiện TGPL ở các Trung tâm tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng (đến nay, trong cả nước đã có 392 cán bộ TGPL, trong đó có 127 người đã được UBND cấp tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; 8.130 Cộng tác viên TGPL).
Trong năm 2008, Cục đã yêu cầu địa phương báo cáo kết quả 01 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn việc thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình này, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, làm cơ sở để đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế và hướng dẫn cho phù hợp, trong đó, Cục tham mưu để Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BTP ngày 21/10/2008 hướng dẫn thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT, đến nay trong toàn quốc đã có 48/63 địa phương thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, trong đó đã có 26 địa phương ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Cục đã chỉ đạo đặt trên hai ngàn Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở Công an, Kiểm sát, Toà án và UBND xã... Do đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng được thuận lợi hơn, số vụ việc bào chữa ngày càng tăng.
3. Tổ chức hội thảo, toạ đàm, tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ: Cục đã tổ chức thành công hội nghị tập huấn toàn quốc tại Phú Yên (28/9 - 2/10/2008), tổ chức 18 hội thảo, toạ đàm về kiểm tra chất lượng TGPL; kỹ năng TGPL cho các nhóm đối tượng đặc thù (người nhiễm HIV, lồng ghép giới); về đạo đức nghề nghiệp TGPL; TGPL trong hoạt động tố tụng; tham gia TGPL của tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo... Trong khuôn khổ các Dự án, Cục tổ chức 10 lớp tập huấn, hội thảo về quản lý tài chính Dự án cho kế toán các Trung tâm; về Công ước quốc tế quyền con người, quyền trẻ em; tham gia hỗ trợ tập huấn cho nhiều Trung tâm TGPL: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc; Thái Nguyên... Cục hoàn thành việc chấm thi sát hạch lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL khoá II và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho 80 người thuộc 40 Trung tâm, dự kiến tổ chức khoá III vào đầu tháng 12/2008.
4. Kết quả thực hiện TGPL: Năm 2008, các Trung tâm TGPL tiếp tục tăng cường TGPL lưu động đến với vùng sâu, vùng xa với phương châm “thân thiện và hướng về cơ sở”, tập trung thực hiện giúp đỡ cho các nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, tính đến ngày 30/10/2008, các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL được 82.998 vụ việc (tư vấn là 76.950, đại diện là 517 vụ, bào chữa là 4.997 vụ việc, kiến nghị 334, hoà giải là 230 vụ việc) cho 86.289 đối tượng (người nghèo là 22.896, chính sách là 11.958, dân tộc là 18.629, trẻ em là 4.077, đối tượng khác là 28.729 người). Nét mới trong việc thực hiện TGPL năm qua là chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đa phần đã đáp ứng được yêu cầu của đối tượng. Văn phòng TGPL cho phụ nữ thuộc Cục đã thực hiện được 788 vụ việc, tư vấn tại trụ sở 149 vụ việc, tổ chức 26 đợt TGPL lưu động (thực hiện được 602 vụ việc) và 24 lớp học pháp luật buổi tối cho phụ nữ.
5. Về công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ cho công tác TGPL: Cục đã nghiên cứu hoàn thiện trên 20 chuyên đề chuyên sâu về hoạt động TGPL, chế độ thống kê báo cáo trong hoạt động TGPL, TGPL cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của tội buôn bán người; cơ chế kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; quản lý chất lượng vụ việc TGPL; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000...Bên cạnh việc duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử TGPL (www.nlaa.gov.vn) nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng TGPL của các Trung tâm TGPL trong toàn quốc, Cục đã hoàn chỉnh nội dung phiên bản tiếng Anh đưa vào sử dụng (9/2008) để góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về hoạt động TGPL ở Việt Nam. Cục đã biên soạn và xuất bản cuốn sách "10 năm hoạt động TGPL ở Việt Nam, hướng phát triển"; "Sổ tay vụ việc TGPL”. Hoàn thành việc biên tập, chỉnh sửa và in ấn 40 loại tờ gấp pháp luật với 510.000 tờ (đang tiếp tục hoàn thiện thêm 20 loại tờ gấp pháp luật), 10 loại cẩm nang pháp luật, hoàn thiện nội dung “Sổ tay nghiệp vụ TGPL”, “Cẩm nang TGPL”, “Cẩm nang tổ chức thực hiện các hoạt động TGPL” và 05 loại Tài liệu nguồn để chuẩn bị ban hành trong thời gian tới. In cuốn "Văn bản pháp luật về TGPL" tập 1, tập 2 và cuốn sách "Các vụ việc TGPL điển hình". Phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xuất bản 02 số chuyên đề về TGPL.
6. Quan hệ hợp tác, đối ngoại và thực hiện Dự án: Trong năm 2008, Cục tiếp tục hướng dẫn các Trung tâm TGPL khắc phục những sai sót, bổ sung nhân lực thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2009” và Dự án TGPL ở Việt Nam giai đoạn IV do Viện Nhân quyền Đan Mạch tài trợ. Thực hiện việc đánh giá Dự án giữa kỳ, đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Dự án tại 43 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khuôn khổ Dự án do Viện Nhân quyền Đan Mạch tài trợ, Cục tổ chức Đoàn khảo sát kinh nghiệm TGPL tại Malaysia; tổ chức đón tiếp, làm việc với 17 lượt chuyên gia quốc tế làm việc về Dự án và các hoạt động hợp tác khác, xây dựng tài liệu giới thiệu về TGPL ở Việt Nam bằng tiếng Anh cho các đối tác nước ngoài, tổ chức hỗ trợ và trực tiếp tham dự cùng 11 đoàn chuyên gia quốc tế đến làm việc tại các địa phương.
7. Quản lý Quỹ TGPL, cơ sở vật chất và thi đua khen thưởng: Năm 2008, Cục đã xây dựng Kế hoạch ngay từ đầu năm để triển khai Quỹ hỗ trợ cho 35 Trung tâm TGPL có khó khăn chưa được hỗ trợ từ Quỹ TGPL trong các năm trước hoặc từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II với các hoạt động: tổ chức tập huấn cho chuyên viên và cộng tác viên; tập huấn về kiến thức pháp luật cho cán bộ chủ chốt của Câu lạc bộ; sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ TGPL; tổ chức TGPL lưu động... Ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng Bảng chấm điểm thi đua làm cơ sở, động lực cho các tập thể, cá nhân trong việc thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong năm 2008, Hội đồng khoa học của Cục đã xem xét, đánh giá và công nhận 13 sáng kiến của cán bộ Cục và Cục trưởng ra Quyết định công nhận 10 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
8. Công tác tổ chức, cán bộ và các công tác khác: Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Cục và lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục cũng như cán bộ công chức thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết công việc kịp thời, có hiệu quả. Năm 2008, Cục TGPL được Bộ trưởng bổ nhiệm 01 Trưởng phòng, 06 Phó Trưởng phòng nâng cán bộ, công chức cấp Phòng thuộc Cục lên 09 người. Cục TGPL thường xuyên tạo điều kiện để Công đoàn, Thanh niên, Nữ công và Cựu chiến binh của Cục hoạt động có hiệu quả, tham gia tích cực, đầy đủ các phong trào do Bộ tổ chức. Cục đã chủ động cử cán bộ trẻ tham gia các đoàn công tác xuống cơ sở do Cục tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cho các cán bộ công chức trong đơn vị. Chi bộ Cục đã tổ chức Hội nghị sơ kết cuộc vận động này tại Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đồng thời tổ chức cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác. Kết quả cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bộ tổ chức, Cục đã đạt 02 giải nhất cho tập thể và cá nhân.
Tóm lại, trong năm 2008, Cục TGPL đã cơ bản hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch công tác đề ra, đáp ứng được yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành. Mặc dù khối lượng công tác xây dựng văn bản trong năm 2008 của Cục rất lớn, nhưng do có sự phân công rõ và xác định thời hạn, đồng thời có sự đôn đốc của đồng chí Cục trưởng và sự cố gắng và nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong Cục, công tác này đã được thực hiện theo tiến độ đề ra. Công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của Cục có nhiều điểm mới. Cục giao cho 1 đơn vị thực hiện việc theo dõi thông tin, viết bài liên quan đến TGPL trên các báo, tạp chí để cung cấp thông tin cho Lãnh đạo Cục, giúp lãnh đạo Cục kịp thời nắm được các thông tin về TGPL qua kênh báo chí để chỉ đạo, điều hành kịp thời. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đã có sự sâu sát hơn. Cục đã xây dựng Chương trình trọng tâm công tác TGPL năm 2008 làm định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện và yêu cầu địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về TGPL, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, bất cập để kịp thời tham mưu giúp Cục trưởng có định hướng chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí nguồn lực cho nhiều Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm đã được chú trọng, đáp ứng yêu cầu của Luật. Đội ngũ cán bộ, Trợ giúp viên pháp lý từng bước được củng cố, tăng cường về số lượng và tăng về năng lực. Công tác phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan có liên quan và giữa Trung tâm với các đơn vị khác ở địa phương được tăng cường, đặc biệt việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo quan hệ phối hợp thống nhất giữa TGPL với Công an, Kiểm sát, Toà án đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cho công tác TGPL phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Việc tổ chức hội thảo, tập huấn, toạ đàm bảo đảm chất lượng hơn. Cục đã đổi mới vấn đề này trong năm 2008 là lựa chọn nội dung, đối tượng tham gia phù hợp, chuẩn bị nội dung đi vào chiều sâu, do đó chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ đã được nâng lên. Điểm mới trong công tác quản lý Quỹ TGPL năm 2008 là điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tài chính không bình quân mà tăng mức đầu tư cho những địa phương có nhu cầu lớn, thực hiện TGPL có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu TGPL đa dạng của nhân dân. Việc quản lý, thực hiện Dự án và quan hệ hợp tác, đối ngoại có nhiều điểm mới so với năm trước: Cục đã phối hợp với nhà tài trợ tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án để kịp thời đánh giá kết quả Dự án qua 02 năm thực hiện.
Trong đợt thi đua kỷ niệm ngày thành lập ngành Tư pháp 28/8/2008, Cục đã tích cực tham gia các môn thể thao, văn nghệ và đạt thành tích: Giải Nhì Hội thi văn nghệ cơ quan Bộ Tư pháp, giải A1 đơn ca Khối các cơ quan Trung ương; giải Khuyến khích môn kéo co; 01 giải nhất đơn nam, 01 giải Nhất đôi nam nữ, 01 giải Nhì đôi nam nữ môn cầu lông... Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thuộc Cục TGPL cũng được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò trong công tác. Hoạt động Công đoàn, Nữ công của Cục bảo đảm sinh hoạt định kỳ có nội dung thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động chuyên môn, phong trào thi đua, văn nghệ, thể thao. Cục đã tích cực tham gia các phong trào do Bộ Tư pháp tổ chức, nhiệt tình hưởng ứng phong trào ủng hộ đồng bào bị thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ủng hộ Quỹ mái ấm tình thương, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động, Cục TGPL còn có một số khó khăn, tồn tại như đội ngũ cán bộ của Cục TGPL còn thiếu, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; số lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần được ban hành tương đối lớn, phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp nên có lúc còn chậm; một số địa phương thực hiện quy định về quy trình, kỹ năng, thực hiện TGPL, ghi sổ sách, hồ sơ vụ việc có nơi còn chưa hệ thống, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chậm; một số địa phương chưa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức cán bộ của Trung tâm (8/63 Trung tâm), việc thành lập Câu lạc bộ TGPL ở một số nơi còn chậm, chưa được chú trọng, chưa thành lập Hội đồng phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng (15/63 Trung tâm); việc triển khai thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình 135 giai đoạn II ở một vài địa phương còn chậm...
Để Cục TGPL hoàn thành Chương trình công tác năm 2009, Cục TGPL trân trọng đề nghị Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo và phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức cán bộ của Cục TGPL, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục TGPL; bổ sung biên chế, cán bộ cho Cục TGPL để tạo điều kiện cho Cục tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trước yêu cầu mới; sớm phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC…
Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý