Để lấy ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của các Bộ, ngành đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2009). Sáng ngày 22/9/2008, Bộ Tư pháp tổ chức chương trình toạ đàm về việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham gia buổi Toạ đàm có các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước và đại diện pháp chế các Bộ, ngành.
Lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định tại Mục 1 Chương III, Điều 59 Chương V Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và được quy định cụ thể hơn tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Phát biểu tại Toạ đàm, TS. Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự Kinh tế đã chỉ ra một số nguyên nhân hạn chế trong hoạt động lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Chính phủ như văn bản hiện hành chưa có cơ chế phát huy sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc kiến nghị xây dựng VBQPPL; chưa quy định cụ thể nội dung xây dựng các tiêu chí trong bản thuyết minh dự kiến xây dựng VBQPPL cũng như chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập dự kiến xây dựng VBQPPL ở các bộ, ngành…đã dẫn đến việc lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật chưa đạt chất lượng. Trên cơ sở chỉ ra những hạn chế TS đã đưa ra những kiến nghị đối với Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định, cụ thể là Dự thảo Nghị định cần phải quy định rõ cơ chế tiếp thu, xử lý kiến nghị xây dựng pháp luật; quy định cụ thể và thống nhất quy trình lập dự kiến xây dựng pháp luật tại các Bộ, ngành cũng như các tiêu chí thuyết minh dự kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, các chuyên gia đến từ Mỹ cho rằng ở Mỹ sử dụng phương pháp lấy ý kiến của công chúng rất linh động và hiệu quả, đó được coi là một phương pháp đảm bảo chất lượng của văn bản, cũng như ở Việt Nam hầu hết các nước đều gặp khó khăn trong việc huy động chuyên gia tham gia vào việc lập chương trình xây dựng luật, tuy nhiên một số nước đã giải quyết khó khăn bằng cách lấy ý kiến của chuyên gia trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân mà không cần phải mời họ tham gia vào Hội đồng tư vấn hay Ban soạn thảo.
Trong bài phát biểu của mình Cố vấn của UNDP về nhà nước pháp quyền và tiếp cận công lý, ông NICHOLAS BOOTH đã chia sẻ kinh nghiệm của Anh Quốc trong việc lập dự thảo chương trình xây dựng luật của Anh Quốc, theo Ông thì ở Anh cũng thực hiện soạn thảo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, tuy nhiên chương trình này được Chính phủ xây dựng thông qua Uỷ ban Nội các trên cơ sở đề xuất của các Bộ trưởng, các đề án luật riêng lẻ do các cơ quan của Chính phủ chủ trì xây dựng theo yêu cầu của các cơ quan đó và có sử dụng kết quả phân tích tác động ban đầu và thực hiện quy trình lấy ý kiến phù hợp. Mặc dù Quốc hội và công chúng nhận được thông tin về các đề án luật riêng lẻ thông qua các thủ tục tham vấn nhưng theo thông lệ thì không tiến hành việc lấy ý kiến của công chúng hay Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.
Đặc biệt, tại buổi Toạ đàm Ban soạn thảo được nghe ý kiến đống góp tích cực từ đại diện các Bộ, ngành về những vấn đề quan trọng như Dự thảo Nghị định phải thể hiện được tầm quan trọng của pháp chế Bộ, ngành trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản luật, đặc biệt là trong việc đánh giá sự cần thiết ban hành văn bản. Trên thực tế có một số Bộ, ngành khi thuyết minh về sự cần thiết ban hành văn bản chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá sơ sài mà chưa có sự đánh giá toàn diện tác động của xã hội, chưa chứng minh được tính kém hiệu quả của cơ chế hiện hành đối với những vấn đề mới phát sinh để làm rõ việc cần thiết phải ban hành văn bản. Có ý kiến cho rằng trong quy trình chuẩn bị đề nghị xây dựng văn bản luật phải đặc biệt quan tâm đến kinh phí thực hiện, bởi đó là sự đảm bảo về tính khả thi cho chương trình. Ngoài ra, các đại biểu còn tiếp tục góp ý kiến về việc tập hợp đề nghị xây dựng, hồ sơ đề nghị xây dựng gửi Bộ Tư pháp… để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Trần ThịTuý