Từ ngày 15 đến 26 tháng 9 năm 2008, được sự hỗ trợ của Dự án VIE/02/015 “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2010”, một đoàn khảo sát gồm mười cán bộ lãnh đạo cấp Bộ và cấp Vụ của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an và Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Hàn Quốc và Hungary nhằm tìm hiểu quy trình và kinh nghiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền, tác động của các chính sách cải cách pháp luật và tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường dân chủ và quyền tiếp cận công lý tại hai nước.
Trong khoảng bốn ngày tại Hàn Quốc, Đoàn đã thăm Bộ Tư pháp, Toà án tối cao, Hiệp hội luật sư toàn quốc, Học viện đào tạo và nghiên cứu pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Khoa Luật Đại học quốc gia Seoul và Hội Thương mại Hàn Quốc,gặp gỡ và hội đàm với các quan chức cấp cao của các cơ quan này.
Với sự tương đồng về đặc điểm địa lý, văn hoá, con người, lịch sử và đặc biệt với sự phát triển ngày càng cao trong quan hệ kinh tế và giao thương hiện nay sau 16 năm nối lại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Đoàn đã nhận thấy rằng hệ thống pháp luật của Hàn Quốc và nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp ở Hàn Quốc có nhiều điểm đáng để Việt Nam quan tâm học hỏi.
Ngoài những vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan pháp luật và tư pháp mà các đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam đã có dịp tìm hiểu trong các chuyến khảo sát trước đây, lần này Đoàn tập trung vào tìm hiểu những điểm mới, mối quan hệ của các cơ quan tư pháp và pháp luật Hàn Quốc trong quá trình thực hiện cải cách pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và tạo các điều kiện pháp lý thuận lợi để người dân có thể tiếp cận với hệ thống pháp luật, tiếp cận công lý một cách dễ dàng và hiệu quả nhất. Tất cả các cơ quan tư pháp của Hàn Quốc đều coi pháp quyền là một nguyên tắc cơ bản của một xã hội dân chủ và văn minh, nguyên tắc này phải được thi hành một cách công bằng, bình đẳng và đặc biệt quan tâm bảo vệ người nghèo và người nhập cư. Nếu cách đây vài chục năm, thẩm phán và hệ thống cơ quan toà án còn chịu ảnh hưởng và tác động của các đảng phái chính trị khác nhau và chịu sự can thiệp của chính phủ chuyên chế thì nay các thẩm phán và các cơ quan toà án từ cấp thấp nhất là cấp huyện tới cấp cao nhất là Toà án tối cao đều hoạt động hoàn toàn độc lập, không chịu chi phối của bất kỳ ai và bất kỳ thế lực nào. Tính độc lập của hệ thống toà án ở Hàn Quốc được thể hiện rõ thông qua những ví dụ điển hình về việc đưa các quan chức và tập đoàn lớn của Hàn Quốc có các hành vi vi phạm pháp luật ra xét xử, kể cả cựu Tổng thống.
Vấn đề đào tạo cán bộ pháp luật, luật sư, thẩm phán, công tố viên và mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo (từ đào tạo đại học tới đào tạo nghề) cũng là một trọng tâm được đoàn quan tâm tìm hiểu. Một trong những nét nổi bật nhất trong cải cách đào tạo luật tại Hàn Quốc chính là việc áp dụng mô hình đào tạo luật của Hoa Kỳ. Việc cải cách này sẽ được tiến hành từ năm 2009 nhằm nâng cao chất lượng sinh viên luật nói riêng và nâng cao chất lượng của giới luật Hàn Quốc nói chung, không những nâng cao trình độ và kỹ năng tư duy pháp luật mà còn mở rộng trình độ và hiểu biết các chuyên ngành xã hội và kinh tế khác. Với mô hình mới này, trước khi được nhận vào học luật, các sinh viên phải có ít nhất một bằng đại học các chuyên ngành kinh tế hoặc xã hội khác. Các sinh viên tốt nghiệp luật phải trải qua một kỳ thi quốc gia rất ngặt nghèo (bar exam) trước khi trở thành luật sư hành nghề, và chỉ các sinh viên đạt điểm thi quốc gia xuất sắc mới có cơ hội để được bổ nhiệm làm thẩm phán sau này. Bộ Tư pháp Hàn Quốc có Học viện nghiên cứu và đào tạo pháp luật nhằm bồi dưỡng đội ngũ công tố viên và quản lý trại giam và Toà án tối cao có Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp nhằm đào tạo và bồi dưỡng thẩm phán và cán bộ toà án. Cả ba cơ sở đào tạo này độc lập và có chức năng hoàn toàn khác nhau, song, một điểm chung nhất của ba cơ sở đào tạo này là tạo cơ sở tốt nhất để Hàn Quốc có được đội ngũ cán bộ tư pháp và pháp luật ngang tầm với đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp luật và luật sư của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đoàn đã đặt vấn đề hợp tác đào tạo cán bộ pháp luật giữa các cơ sở đào tạo của Hàn Quốc và Việt Nam và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn.
Trong buổi cuối cùng làm việc tại Hàn Quốc, Đoàn đã tới thăm Hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), tương đương với Phòng Thương mại và Công nghiệp ở Việt Nam. Tại đây hai bên đã trao đổi về tình hình phát triển kinh tế và xúc tiến đầu tư thương mại giữa hai nước. Chủ tịch Hội Thương mại Hàn Quốc rất vui mừng khi thấy rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sang làm ăn và đầu tư tại Việt Nam (hiện nay tại Việt Nam có khoảng 1700 doanh nghiệp Hàn Quốc), và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới việc trao đổi làm ăn với các doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như ngày càng có nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (hiện nay có khoảng trên 40 ngàn người Việt Nam làm việc, sinh sống và học tập tại Hàn Quốc). Quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong 9 tháng cuối năm 2007 đạt 4,59 tỷ USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2006, dự kiến trong năm tới, kim ngạch hai chiều sẽ đạt trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa thể so sánh với kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng, ngày nay, do tính cạnh tranh khốc liệt khi đầu tư vào Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam song còn nhiều e ngại về môi trường đầu tư không ổn định và hệ thống pháp luật thường xuyên thay đổi ở Việt Nam. Theo ông Chủ tịch Hội Thương mại Hàn Quốc, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho Việt Nam bởi lẽ nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chưa hiểu rõ về hệ thống pháp luật Việt Nam và đặc biệt là chưa tin tưởng vào cơ chế thực thi pháp luật ở Việt Nam. Ông đã đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan Việt Nam tạo các điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hiểu hơn về pháp luật Việt Nam bằng cách tổ chức các hội thảo giới thiệu pháp luật Việt Nam tại Hàn Quốc hoặc tại Việt Nam với sự tham gia của luật gia Việt Nam. Việc tăng cường hiểu biết hệ thống pháp luật Việt Nam, các chính sách cải cách pháp luật ở Việt Nam cũng góp phần đắc lực vào tăng cường đầu tư và phát triển kinh tế.
Đoàn đã kết thúc bốn ngày làm việc với nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước Hàn Quốc và bắt đầu hành trình thăm và làm việc tại Hungary kể từ ngày 19 tháng 9 năm 2008.
Minh Phương