Hôm qua (17/9), Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm Chủ tịch đã họp thẩm định đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008. Với 5 chương, 41 Điều, dự thảo Nghị định nếu được ban hành sẽ thay thế cho Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ. Đa số các thành viên của Hội đồng nhận xét, dự thảo Nghị định đảm bảo được các yêu cầu thẩm định nhưng đề nghị Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, xem xét hoàn thiện thêm một số nội dung cụ thể.
Khoản 1 Điều 21 dự thảo Nghị định quy định trường hợp vi phạm hành chính được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản - tức là không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ - bao gồm hành vi vi phạm bị phạt tiền từ 10.000 đến 200.000 đồng và nhiều hành vi vi phạm do một người thực hiện mà các hình thức xử phạt đều chỉ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đến 200.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng, quy định trên của dự thảo là chính xác song chưa đầy đủ. Nên chăng bổ sung việc xử phạt theo thủ tục đơn giản cho cả những vi phạm khác như vi phạm tại sân bay, bến cảng… nhằm đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn cuộc sống
Theo dự thảo Nghị định, trong trường hợp có quyết định cho phép người vi phạm được trả tiền nộp phạt nhiều lần thì các giấy tờ, tang vật, phương tiện của họ sẽ được trả lại ngay lần nộp phạt đầu tiên. Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Hình sự (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn lý giải, đây là trường hợp nộp phạt có điều kiện (số tiền phạt trên 10 triệu đồng và hoàn cảnh của người vi phạm phải khó khăn) và nếu đối tượng chây ỳ thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành. Có thành viên Hội đồng thẩm định không nhất trí về quy định này và kiến nghị phải tạm giữ các giấy tờ, tang vật, phương tiện liên quan tới hành vi vi phạm hành chính đến khi đối tượng vi phạm nộp đủ số tiền phạt để bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
Điều 39 dự thảo Nghị định quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đối với 2 loại đối tượng là đối tượng nghiện ma tuý đã cai nghiện nhiều lần và thuộc loại côn đồ, hung hãn, thường xuyên thực hiện hành vi gây rối có sử dụng bạo lực hoặc hung khí, chống người thi hành công vụ hoặc xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; đối tượng đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh mà trong giai đoạn cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khoẻ tiếp tục có các hành vi vi phạm. Ngoài ra, Điều 39 cũng quy định chung về việc lập hồ sơ, thẩm quyền của người ra quyết định áp dụng biện pháp. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều đề nghị đưa Điều 39 ra khỏi dự thảo Nghị định, tránh trùng lặp với các quy định liên quan trong những dự thảo Nghị định mà 2 Bộ này đang tiến hành sửa đổi.
Cẩm Vân