Bộ Tư pháp: Chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW

28/08/2008
Hôm qua (27/8), Bộ trưởng Hà Hùng Cường và thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc để nghe đại diện Viện Khoa học pháp lý báo cáo về việc chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Dương Thị Thanh Mai cho biết, Dự thảo Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49 gồm 5 phần chính là Tình hình quán triệt, triển khai, tuyên truyền, kiểm tra thực hiện Nghị quyết; Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết; Những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; Bài học kinh nghiệm; Phương hướng thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. Theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Nguyễn Tất Viễn, bố cục 5 phần của Dự thảo Báo cáo là hợp lý nhưng có phần hơi dài, gây mất cân đối. Ông đề nghị bổ sung bài học về nhận thức trong phần Bài học kinh nghiệm và vấn đề tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết, xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể ngành Tư pháp trong phần Phương hướng. Phó Chánh Văn phòng Phan Chí Hiếu và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Luyện cho rằng nên có mục nhiệm vụ, giải pháp trong phần Phương hướng và thêm phần Đề xuất, kiến nghị. Theo đại diện một số đơn vị khác (Vụ Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Học viện Tư pháp…), Dự thảo Đề án chưa đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết ở các Bộ, ngành khác mà Bộ Tư pháp có tham gia, chưa làm nổi bật vai trò của các cơ quan tư pháp địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết, các lĩnh vực của ngành chưa thể hiện rõ lộ trình thực hiện đến năm 2020… Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định, Dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, khá cập nhật các tài liệu, số liệu. Đồng tình về cơ bản với nội dung của Dự thảo, nhưng Bộ trưởng yêu cầu cần cơ cấu lại bố cục của Dự thảo cho khoa học hơn như tách riêng mục đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị quyết thành một phần và đưa Bài học kinh nghiệm vào phần này, bổ sung giải pháp thực hiện vào phần Phương hướng, thêm phần Đề xuất, kiến nghị.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã nghe Viện Khoa học pháp lý báo cáo về Đề cương Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án. Sau khi nhận nhiệm vụ được chuyển giao từ tháng 3/2008, Viện đã tiến hành được các công việc sau: phối hợp với Cục THADS xây dựng Đề cương Đề án, làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư về điều tra cơ bản về tình hình thi hành án hình sự không phạt tù, hợp tác với chuyên gia nước ngoài nghiên cứu mô hình chuyển giao THAHS cho Bộ Tư pháp của một số nước như Liên bang Nga, Trung Quốc… Điểm đặc biệt là trong Đề cương Đề án nêu lên quan điểm là quá trình chuyển giao phải được thực hiện đồng bộ.

Hoàng Thư