Dự án “Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên”: Góp phần hài hoà pháp luật Việt Nam với thế giới

26/08/2008
Dự án “Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên (NCTN)” bắt đầu được triển khai tại Việt Nam từ năm 2006 dưới sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt trước nhiều thách thức để có thể hoàn thành các mục tiêu của Dự án vào năm 2010. Đây là những nhận định được nêu lên tại cuộc họp giữa kỳ của Dự án diễn ra vào hôm 25/8 do Bộ Tư pháp tổ chức.

Nhiều đề xuất hoàn thiện pháp luật về NCTN

Các hoạt động của Dự án được thiết kế trên cơ sở kết hợp giữa hoàn thiện thể chế với nâng cao năng lực của các cán bộ thi hành pháp luật, cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ trẻ em, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của nhân dân. Với mục tiêu từng bước làm hài hoà giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam với các yêu cầu của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế có liên quan, Dự án đã nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án, nhiều mô hình điểm về giáo dục NCTN vi phạm pháp luật theo hướng không giam giữ, tái hoà nhập cộng đồng cho NCTN, phòng điều tra thân thiện với NCTN ở một số tỉnh, thành phố đã được xây dựng và rút kinh nghiệm nhằm từng bước nhân rộng. Đặc biệt, Dự án đã thiết kế được một số hoạt động để tiếp cận và cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội về tính bức xúc của công tác phòng, chống vi phạm pháp luật của NCTN và tội phạm xâm hại trẻ em, các chuẩn mực quốc tế, sự cần thiết phải tăng cường vai trò của cộng đồng, gia đình và các thành tố xã hội khác, giảm thiểu các biện pháp giam giữ và các điển hình tốt trên thế giới về tư pháp NCTN… Những hoạt động đó của Dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống vi phạm pháp luật của NCTN và tội phạm xâm hại trẻ em. Chẳng hạn, đề xuất xây dựng các dự án luật hết sức quan trọng như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống buôn bán người…

Đại diện UNICEF - bà Julie Bergeron đánh giá, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động của Dự án như thành lập đơn vị cảnh sát chuyên trách xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em ở cấp TƯ, Thông tư hướng dẫn xử lý hành vi buôn bán người, Thông tư hướng dẫn điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em, nghiên cứu hệ thống trợ giúp pháp lý cho trẻ em và xây dựng tài liệu tập huấn cho luật sư về TGPL cho trẻ em, nghiên cứu khả năng xây dựng Toà gia đình/trẻ em… Nhưng để đạt được mục tiêu cải thiện khuôn khổ pháp lý dành cho trẻ em trong hệ thống tư pháp, Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động đã được dự kiến và sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, trở ngại.

90% trẻ cần bảo vệ đặc biệt vẫn đang sống trong cộng đồng

Theo bà Bergeron, có 2 hoạt động khá quan trọng gồm đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên, tập huấn cho cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân về điều tra thân thiện chưa được phía Việt Nam tiến hành hoặc một số hoạt động khác mới được thực hiện bước đầu như nghiên cứu quy định của BLTTHS về trẻ em trong hệ thống tư pháp, lồng ghép tội phạm NCTN vào Luật XLVPHC…

Bà Bergeron cũng cho biết, qua các cuộc điều tra của UNICEF, Việt Nam hiện có 120 Trung tâm bảo trợ xã hội cho trẻ mồ côi, khuyết tật, 4 trường giáo dưỡng cho trẻ em vi phạm pháp luật và 13 trại giam đủ điều kiện giam giữ NCTN song vẫn có tới 90% trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt đang sống trong cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có luật riêng, toàn diện về tư pháp NCTN, chưa có cơ quan đầu mối giám sát chấp hành các chế tài xử phạt tại cộng đồng, chưa có lực lượng cảnh sát - kiểm sát viên – cán bộ toà án chuyên trách, chưa có toà án, luật, thủ tục riêng để xử lý các vụ án về các vấn đề gia đình và trẻ em. Những khiếm khuyết trên đã trở thành những rào cản trong quá trình hoàn thiện hệ thống tư pháp cho trẻ em của Việt Nam.

Cẩm Vân

Giám đốc Dự án - Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN thực chất là một hệ thống được thiết kế phù hợp với những đặc điểm tâm sinh lý của NCTN, chú trọng và đáp ứng được những nhu cầu đặc thù của lứa tuổi. Xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN không phải là phủ định hệ thống hiện có của chúng ta mà là kế thừa chủ trương bảo vệ, chăm sóc đặc biệt đối với NCTN phạm tội và trẻ em là nạn nhân của tội phạm trong hệ thống pháp luật hiện hành và tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp những quy định này sao cho bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong tình hình vi phạm pháp luật của NCTN và tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp hiện nay, Dự án lại càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần lưu ý 3 vấn đề về bảo đảm tiến độ hoạt động của Dự án, bảo đảm tính bền vững của Dự án và tăng cường cơ chế phối hợp, thông tin, nhất là kỷ luật báo cáo trong Dự án nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của Dự án.