Cuối tuần qua, Ban Soạn thảo Dự án Luật Lý lịch tư pháp đã có cuộc họp cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự thảo 4 của Luật.
Sau khi nghe Tổ trưởng Tổ Biên tập Trần Thất giới thiệu một số nội dung cơ bản của Dự thảo 4, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên – Phó Trưởng BST nhấn mạnh, Dự thảo lần này có nhiều điểm đổi mới như xác định rõ hơn mục đích của việc quản lý lý lịch tư pháp, không đặt vấn đề cơ quan nào sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và đáng chú ý là thu hẹp phạm vi điều chỉnh. Nếu các Dự thảo trước quy định sự ghi nhận thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ của cá nhân có liên quan sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì Dự thảo 4 chỉ điều chỉnh những thông tin cơ bản về án tích của người đã bị kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật. Đa số các thành viên trong BST đồng tình với sự thay đổi trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo 4. Tuy nhiên, một số thành viên băn khoăn về nguồn thông tin lý lịch tư pháp là các bản án của chế độ cũ, thẩm quyền của Trung tâm dữ liệu lý lịch tư pháp trong xoá án tích đương nhiên… Kết luận cuộc họp, Trưởng BST - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, phải đưa vấn đề cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp thành một trong những vấn đề có ý kiến khác nhau để trình Chính phủ. Nhưng, Bộ trưởng lưu ý cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chức năng quản lý lĩnh vực này của Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao cho. Ngoài ra, Bộ trưởng còn yêu cầu Tổ Biên tập nghiên cứu thêm nguồn thông tin lý lịch tư pháp là những bản án hình sự của nước ngoài và những góp ý của các thành viên BST.
Hoàng Thư